Ngày 7-11, tại kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, đã thông qua Nghị quyết chi học phí đối với 55 sinh viên y khoa được tỉnh cử đi đào tạo tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Chủ tọa kỳ họp biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Theo đó, thống nhất chi kinh phí đào tạo năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024 đối với 55 sinh viên y khoa với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước năm 2024 cấp.
Như PLO đã đưa tin "55 sinh viên y khoa có nguy cơ bị cấm thi vì nợ học phí hơn 4 tỉ đồng", phản ánh trước năm 2022 có 55 sinh viên được tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng đào tạo và hỗ trợ kinh phí đang theo học tại hai trường trên đến năm 2027.
Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp bác sĩ phải về Bình Thuận phục vụ 10 năm theo hợp đồng cam kết đã ký.
Thế nhưng, tháng 10-2022, Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII có thông báo cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chưa đúng với Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg về “Cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số…” nên yêu cầu dừng thực hiện.
TS.BS Đặng Thức Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận phát biểu về 55 trường hợp sinh viên được cử đi đào tạo y khoa nợ học phí.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, tất cả chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành y tế của tỉnh khi ban hành đều không áp dụng Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg.
Cụ thể đối tượng áp dụng không phải cử tuyển riêng con em đồng bào các dân tộc thiểu số mà cử tất cả con em của tỉnh Bình Thuận đáp ứng yêu cầu về điểm tuyển sinh đầu vào của cơ sở đào tạo để xây dựng được đội ngũ bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ trong nhiều năm qua.
Kể từ năm 2022, sau khi có thông báo của Kiểm toán Nhà nước, Sở Nội vụ và Sở Y tế đã dừng việc tuyển sinh mới sinh viên ngành y. Đặc biệt là phải nợ học phí của 55 sinh viên đang theo học dở dang tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (hai năm học 2022-2023 và 2023-2024) hơn 4 tỉ đồng.
Các trường đại học này đã nhiều lần đề nghị chi trả nợ học phí theo hợp đồng đào tạo đã ký kết và Sở Y tế cũng đã có nhiều văn bản cam kết sẽ chuyển trả kinh phí.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trường hợp sinh viên nợ học phí kéo dài, theo quy chế đào tạo sẽ bị cấm thi học kỳ, thi hết môn, thi tốt nghiệp…
HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chi hơn 4 tỉ đồng trả nợ học phí cho 55 sinh viên y khoa.
Do đó, tỉnh đã liên tục kiến nghị Kiểm toán xem xét và ngày 21-5-2024, Kiểm toán có công văn trả lời, thống nhất với điều chỉnh kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận.
Từ công văn trả lời này, ngày 31-10-2024, UBND tỉnh đã có tờ trình cho biết, hiện toàn tỉnh có 1.042 bác sĩ, trong đó có 838 bác sĩ đang công tác tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập và 204 bác sĩ đang công tác tại các đơn vị, cơ sở y khác; với số lượng bác sĩ này, toàn tỉnh chỉ đạt tỷ lệ khoảng 8,2 bác sĩ/vạn dân.
Để đạt được tỷ lệ 9 bác sĩ/vạn dân theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh, với dân số dự kiến vào năm 2025 hơn 1,28 triệu người thì toàn tỉnh cần có 1.156 bác sĩ; do đó, đến năm 2025, tỉnh phải bổ sung thêm 114 bác sĩ.
Trường hợp nếu tính số lượng bác sĩ/giường bệnh theo quy định của Bộ Y tế thì số lượng bác sĩ cần phải bổ sung riêng cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của tỉnh khoảng 331 bác sĩ.
“Nếu chấm dứt hỗ trợ kinh phí đào tạo, tỉnh sẽ không có 55 bác sĩ từ đây đến năm 2027. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng tỉnh tiếp tục thiếu trầm trọng hơn nữa số lượng bác sĩ cần có để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân…” - Tờ trình của UBND tỉnh nêu.
Được biết, tổng kinh phí chi trả cho 55 sinh viên trên gần 7 tỉ đồng và trước mắt UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ năm học 2022-2023 và 2023-2024 khoảng hơn 4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Riêng hơn 2,8 tỉ đồng còn lại, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, sửa đổi Điều lệ Quỹ khuyến học để thực hiện hỗ trợ kinh phí năm 2025 đến năm 2027 cho các sinh viên này, dự kiến chi từ nguồn Quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường”.
PHƯƠNG NAM