Tranh chấp liên quan KCN Hàm Kiệm II - Bita’s đã kéo dài nhiều năm.
Thương vụ nguy cơ “bể kèo” giữa chừng
Chủ trì cuộc họp, ông Phan Dương Cường, Trưởng BQL các KCN Bình Thuận cho biết, cuộc làm việc để nghe, tìm hiểu sự việc từ hai phía.
Theo ông Cường, KCN Hàm Kiệm II được cấp phép năm 2008. Theo giấy phép đầu tư, từ 2009 - 2011, KCN Hàm Kiệm II sẽ kêu gọi đầu tư, đến 2012 hoàn thành cơ sở hạ tầng, phấn đấu lấp đầy diện tích. Thực tế hiện nay, nơi đây mới hoàn thành khoảng 60% hạ tầng.
Tại buổi làm việc, Cty Cổ phần KCN Hố Nai cho biết, ngày 23/11/2022, Cty có ký Hợp đồng nguyên tắc về thủ tục chuyển nhượng cổ phần số 01/2022 với 5 cá nhân là cổ đông của Cty CP Đầu tư Bình Tân gồm bà Lai Kim (60%), ông Đỗ Long (28,83%), bà Đỗ Thanh Nguyên (5%), bà Đỗ Thanh Hà (5%) và ông Đỗ Chí Dũng (1,17%) (bên bán); nhằm mua lại toàn bộ 100% cổ phần.
Giá chuyển nhượng là 938 tỷ đồng theo nguyên tắc “Công nợ phải thu và công nợ phải trả bằng 0; tồn quỹ tiền bằng 0...”. Giá chuyển nhượng đã gồm toàn bộ tài sản và công trình xây dựng. Giá chuyển nhượng có thể điều chỉnh tại thời điểm hoàn tất chuyển nhượng. Sau khi nhận chuyển nhượng, Cty Hố Nai sẽ tiếp quản, quản lý khai thác toàn bộ dự án KCN Hàm Kiệm II.
Cty Hố Nai đã đặt cọc 10% (tương đương 93,8 tỷ) và sẽ tiếp tục thanh toán thành 3 đợt. Đợt 1, thanh toán 20% trong 3 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Đợt 2, thanh toán 30% trong 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Đợt 3 thanh toán đủ 100% trong 9 tháng.
Theo hợp đồng, ngay khi thanh toán đợt thứ 2, Cty Hố Nai sẽ chỉ định 2 cá nhân để tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT), trong đó 1 người sẽ là Chủ tịch HĐQT, 1 người là Giám đốc điều hành.
Thực hiện hợp đồng, Cty Hố Nai đã trả gần 590 tỷ, tương đương 60% giá trị hợp đồng (trong đó đặt cọc 93,8 tỷ; trả 2 đợt cùng lãi chậm 487,6 tỷ; chi phí quản lý, đầu tư hạ tầng 7,7 tỷ). Cty Hố Nai đã nhận chuyển nhượng và nắm giữ 50% cổ phần tại Cty Bình Tân.
Đại diện Cty Hố Nai cho rằng, quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán liên tục vi phạm hợp đồng như không thực hiện ủy quyền cho 2 người bên mua chỉ định, một người giữ chức danh Giám đốc điều hành và một người phụ trách tài chính; không giữ nguyên hiện trạng các công trình; tiếp tục cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất thu tiền một lần...
Ngày 27/6/2024, trong cuộc họp HĐQT, bên bán dùng lợi thế 3/5 phiếu bầu để bãi nhiệm trái pháp luật chức danh Chủ tịch HĐQT với ông Huỳnh Đức Tấn (người do Cty Hố Nai chỉ định và trước đây được bầu là Chủ tịch HĐQT).
Ông Nguyễn Công Định, Tổng Giám đốc Cty Hố Nai nói: “Chúng tôi bỏ ra số tiền rất lớn nhưng suốt 2 năm qua không có bất cứ lợi ích nào, ngay cả lợi ích là quyền cổ đông. Phía Cty Bình Tân liên tục khởi kiện, khiến chúng tôi mất nhiều thời gian tham gia quá trình tố tụng, dẫn đến thiệt hại rất lớn”.
Liên tục khởi kiện đòi “trả lại cho nhau những gì đã nhận”
Theo ông Định, sau khi thanh toán đợt 2, quá trình làm việc và tiếp cận thông tin, Cty Hố Nai mới biết tồn quỹ tiền tại Cty Bình Tân không về “0” như thỏa thuận mà tăng lên. Cty Hố Nai yêu cầu được cung cấp hồ sơ và kiểm quỹ nhưng không được chấp nhận.
Hai bên có nhiều văn bản qua lại liên quan việc thực hiện hợp đồng nhưng không đi đến thống nhất. Ngày 30/8/2023, bà Lai Kim (đại diện bên bán) ra thông báo chấm dứt hợp đồng với lý do Cty Hố Nai vi phạm thời hạn thanh toán.
BQL các KCN tỉnh Bình Thuận làm việc với các bên để nghe, tìm hiểu sự việc và báo cáo UBND tỉnh. (Ảnh trong bài: Doãn Khởi)
Ngày 24/5/2024, bên bán khởi kiện đến Trung tâm trọng tài thương mại HTA yêu cầu: Tuyên bố hủy bỏ hợp đồng nguyên tắc về thủ tục chuyển nhượng cổ phần 01/2022 ngày 23/11/2022 và các phụ lục; buộc Cty Hố Nai hoàn trả lại toàn bộ cổ phần đã nhận; phạt vi phạm hợp đồng với Cty Hố Nai số tiền đặt cọc 93,8 tỷ. Lý do bên bán đưa ra là Cty Hố Nai vi phạm nghĩa vụ thanh toán cả 3 đợt.
Phán quyết trọng tài cho thấy, đợt 1 và đợt 2, Cty Hố Nai không vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Với đợt 3, Cty Hố Nai chưa thanh toán do các bên chưa xác định được giá chuyển nhượng điều chỉnh và chưa thống nhất trong diễn giải để xử lý nội dung “tồn quỹ tiền bằng 0”. Ngày 22/12/2024, Hội đồng trọng tài ra quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bên bán.
Ông Định cho biết: Ngay sau khi có phán quyết của Hội đồng trọng tài, Cty Hố Nai có văn bản mời bên bán tham gia cuộc họp trao đổi các vấn đề nhằm tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhưng bên bán có văn bản không tham dự.
Chỉ 3 ngày sau khi có phán quyết trên, ngày 25/12/2024, bên bán tiếp tục gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài thương mại HTA yêu cầu: Tuyên bố Hợp đồng 01/2022 vô hiệu; công nhận bên bán tự nguyện trả lại cho bên mua 581 tỷ khi bên mua trả lại cổ phần đã nhận. Theo bên bán, hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được; vi phạm điều cấm do các bên thỏa thuận phương thức bàn giao tiền mặt không đúng pháp luật và do các bên nhầm lẫn về số dư tồn quỹ tiền mặt vào thời điểm giao kết và thời điểm bàn giao, dẫn đến hợp đồng không thể thực hiện được.
Tại buổi làm việc, đại diện bên bán, bà Kim cho rằng phía Cty Hố Nai chậm trễ thanh toán và vi phạm hợp đồng: “Theo thỏa thuận giữa hai bên, đáng lẽ vụ việc chuyển nhượng phải xong vào tháng 8/2023, nhưng Cty Hố Nai đã “ép chúng tôi”. Theo bà Kim, đáng lẽ Cty Hố Nai phải trả đủ 100% vào đợt thanh toán thứ 4 (tính đặt cọc là 1 lần thanh toán), nhưng lại đề nghị giữ lại 15% tiền và buộc phía Cty Tân Bình chuyển giao toàn bộ Cty. Cty Tân Bình đang khởi kiện lại, muốn hoàn trả lại tiền cho Cty Hố Nai và tiếp tục thực hiện dự án KCN.
Trước ý kiến này, đại diện Cty Hố Nai phản bác: “Cty Hố Nai mong muốn tiếp tục hợp đồng và thiện chí về việc thanh toán đủ 100%. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết, nhằm giúp chúng tôi bớt đi phần nào thiệt hại”.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện BQL yêu cầu các bên cùng thiện chí để giải quyết tranh chấp, chậm nhất đến 30/4/2025 phải có kết quả; tránh ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh Bình Thuận. Sau buổi làm việc, BQL sẽ báo cáo với UBND tỉnh. Đại diện BQL cũng yêu cầu phải hoàn thành hạ tầng KCN trong 1,5 năm tới.
Tòa án đã xác định “bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT trái luật”:
Theo hồ sơ, sau khi người chỉ định Huỳnh Tấn Đức bị bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của Cty Bình Tân, thì Cty Hố Nai khởi kiện đến TAND huyện Hàm Thuận Nam, yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết HĐQT 01 và 02 ngày 3/7/2024.
Bản án của TAND sau đó xác định điều lệ Cty Bình Tân: “Thông báo mời họp phải xác định cụ thể thời gian và địa điểm, chương trình, các vấn đề thảo luận và quyết định. Kèm theo thông báo mời họp phải có tài liệu”.
Tại cuộc họp HĐQT ngày 27/6/2024, ông Đỗ Chí Dũng đề nghị bãi nhiệm ông Đức là nội dung mới, không có trong thư mời nên không phù hợp điều lệ Cty. Ngoài ra, nội dung và tính hiệu lực của Biên bản họp HĐQT chưa bảo đảm, vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Theo tòa, biên bản họp không có hiệu lực do không đúng quy định nên Nghị quyết 01 và 02 cũng mặc nhiên không có hiệu lực. Tòa chấp nhận khởi kiện của Cty Hố Nai, hủy bỏ Nghị quyết 01 và 02.
Doãn Khởi - Chánh Bùi