Sau 3 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 13/12, Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận năm 2024 đã khép lại.
Theo ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận, mặc dù đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi với quy mô lớn, nhưng sự kiện đã thành công tốt đẹp.
Một tiết mục trình diễn nghệ thuật tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận năm 2024. Ảnh: T.Dân
Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận năm 2024 được tổ chức từ ngày 11 đến 13/12; thu hút gần 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 7 huyện trong tỉnh tham dự.
Trong khuôn khổ ngày hội, diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương…
Ngày hội đã mang đến cho người dân và du khách những màn trình diễn trang phục truyền thống, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu; những làn điệu dân ca quý báu.
Người dân và du khách còn được đắm mình vào không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống địa phương với nhiều hiện vật, sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu, sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, chiều cùng ngày đã diễn ra tọa đàm "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận".
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận rất mộc mạc, đậm chất dân tộc, gắn với điều kiện tự nhiên; không chỉ phản ánh văn hóa của cộng đồng mà còn lưu giữ những sắc thái về lịch sử, văn hóa qua quá trình tồn tại, phát triển của từng tộc người.
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển và giao lưu văn hóa đa chiều giữa các vùng miền, trang phục truyền thống của đồng bào đang có nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc.
Trang phục truyền thống không còn được người dân sử dụng phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày mà chỉ được dùng dịp Tết, lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng cộng đồng. Nghề dệt, may trang phục của người Chăm, Raglai; K’ho, Chơ ro… cũng dần mai một.
Để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc thiểu số, cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án để hỗ trợ.
Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là già làng, trưởng bản, người uy tín, chức sắc, nghệ nhân, trí thức và thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng...
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận. Ảnh: T.Linh
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị sẽ đề xuất tỉnh ban hành quy định cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được mặc trang phục truyền thống trong quá trình làm việc, lao động, công tác và chuẩn hóa nó ở các nghi lễ của người dân tộc thiểu số.
Về phía Sở, sẽ tổ chức các cuộc thi trình diễn thời trang dân tộc, từng bước khích lệ các khu du lịch, các điểm du lịch đưa các vật dụng của người dân tộc thiểu số làm vật lưu niệm, đặc biệt là bộ trang phục để cho du khách có thể là mặc chụp hình check in và mua về làm kỷ niệm.
T.Toàn