Nhiều kết quả đạt được trong năm 2024
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong năm 2024 kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,25% (xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 9/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung), trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 11,06% (công nghiệp tăng 10,94%); nông nghiệp tăng 3,43%; dịch vụ tăng 7,6%.
Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của Bình Thuận năm 2024 tăng 7,25% (xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố).
Theo đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người đạt 96,1 triệu đồng, tăng 8,96%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58,4 triệu đồng, tăng 7,5%.
Năm 2024, tỉnh Bình Thuận thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 10.851 tỷ đồng, đạt 108,51% dự toán năm, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 9.618 tỷ đồng, đạt 106,81% dự toán, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2023. Về giải ngân kế hoạch đầu công năm 2024 tính đến ngày 10/01/2025 đã giải ngân 3.961 tỷ đồng, đạt 83,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,5% (cùng kỳ giảm 8,05%) cho thấy sự phục hồi sau giai đoạn khó khăn; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện để các chủ đầu tư sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các khu công nghiệp (KCN): Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức.
Trong năm 2024, hoạt động du lịch diễn ra sôi động với nhiều lễ hội và sự kiện thể thao. Toàn tỉnh đón 9,68 triệu lượt khách, đạt 101,36% kế hoạch (tăng 15,91% so với năm 2023), doanh thu 25.530 tỷ đồng, đạt 100,12% kế hoạch (tăng 14,44%); sức hút của du lịch Bình Thuận và hiệu quả của các chính sách kích cầu, quảng bá du lịch.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,72% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu hàng hóa tăng 11,26%, nhập khẩu tăng 14,86%, cho thấy tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước tăng 10,64% so với năm 2023, trong đó vốn của doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 71,1%) tăng 12,2%. Trong khuôn khổ Lễ công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số
Ngoài những kết quả đạt được, trong 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra trong năm 2024, Bình Thuận dự kiến có 3 chỉ tiêu không đạt. Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,25% (kế hoạch tăng 8 - 8,5%); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 5,93% (kế hoạch tăng 6,4%); chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 3.435,2 tỷ đồng (kế hoạch là 3.616 tỷ đồng).
Năm 2025, Bình Thuận Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đạt 23,66% kế hoạch. Số dự án chấp thuận chủ trương đầu tư giảm cả về số lượng (giảm 44,1%) và tổng vốn đăng ký (giảm 85,2%); số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10,77%, cho thấy việc thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức và khó khăn nhất định.
Từ những khó khăn trên, Bình Thuận đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển trong năm 2025. Theo đó, tỉnh thực hiện hiệu quả phát triển mạnh 3 trụ cột về công nghiệp, du lịch, nông nghiệp; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, trên lĩnh vực công nghiệp, phát triển công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; chủ động đôn đốc, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tổ chức khánh thành KCN Tân Đức trước ngày 19/4/2025, khởi công KCN Sơn Mỹ 2 vào tháng 9/2025. Sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ và dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ.
Bên cạnh đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các trang trại nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trên lĩnh vực du lịch, tổ chức hiệu quả chuỗi các sự kiện nhân các ngày lễ lớn của đất nước và kỷ niệm 30 năm Ngày Du lịch Bình Thuận; giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn ở những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh theo quy hoạch.
Ngoài ra, trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, coi trọng khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào 3 trụ cột kinh tế.
Gia Linh - Anh Hào