Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) và các đơn vị chủ rừng khác trên địa bàn toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của từng đơn vị, địa phương. Thường xuyên quan tâm theo dõi, động viên mỗi cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc mình đang đảm nhiệm; không được để sao nhãng nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được giao. Chỉ đạo tăng cường tuần tra, bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, không để tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Bình Thuận nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Ảnh Lê Phúc
Ngoài ra, trong các ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài phải đảm bảo quân số
ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng (gồm lực lượng bảo vệ rừng
chuyên trách làm nồng cốt, có sự tham gia thường xuyên của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và Kiểm lâm địa bàn) để tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, canh gác lửa rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trên địa bàn để bổ sung lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các trạm, chốt bảo vệ rừng khi có tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát của đơn vị; quản lý chặt chẽ không để người dân tự ý vào rừng sử dụng lửa khi cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V.
Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Chi cục Kiểm lâm chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Tập trung lực lượng, kiên quyết điều tra tới cùng để làm rõ các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tiếp nhận nắm bắt và xử lý thông tin về tình hình vi phạm Luật lâm nghiệp…
Đối với vùng giáp ranh, đặc biệt là các khu vực giáp ranh của các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh với các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Đồng Nai, đề nghị UBND các huyện chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động phối hợp, trao đổi nắm bắt thông tin với cơ quan kiểm lâm của tỉnh và các huyện giáp ranh để rà soát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, công chức kiểm lâm (nếu có).
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến năm 2023, tổng diện tích có rừng và diện tích rừng đã trồng chưa thành rừng trên địa bàn Bình Thuận là 349.068,56 ha. Trong đó, tổng diện tích đất có rừng là 342.127,58 ha (gồm rừng tự nhiên là 296.915,47 ha, rừng trồng là 45.212,11 ha), diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 6.940,98, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 43,08%.
Thanh Tùng- Thùy Trinh