Vẻ đẹp hoang sơ, bình yên ở Eo Kén, xã Pù Luông.
Bản Eo Kén có 257 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống rải rác ven sườn đồi, núi. Trước kia, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu là tự cung, tự cấp. Những năm qua, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, được sự động viên, tuyên truyền kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ được hỗ trợ giống cây quýt hoi, lợn cỏ để phát triển sản xuất. Nhờ chịu khó, cần cù lao động, nhiều hộ gia đình từng bước nâng cao thu nhập, có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày. Đến nay, Eo Kén chỉ còn 13 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Từng là một hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhờ ý chí, nghị lực vươn lên, gia đình ông Ngân Văn Đợi (sinh năm 1970), dân tộc Mường đã trở thành điển hình phát triển kinh tế của bản. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài trồng luồng, keo, ông Đợi còn trồng thêm cây quýt hoi, nuôi lợn, bò... Ông đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đến nay, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập trên 120 triệu đồng. Trong đó, cây quýt hoi sau khi thu hoạch được các cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn xã thu mua chế biến làm sản phẩm chè, siro... phục vụ khách du lịch.
Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng bà con ở Eo Kén luôn sống đoàn kết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Nhiều năm liền, bản không có trường hợp nghiện ma túy, an ninh trật tự ổn định. Một số thanh niên trong bản đã thay đổi nhận thức, chịu khó đi làm ăn xa để tăng thu nhập. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang hay mời thầy mo, thầy cúng... dần được loại bỏ. Đến nay, bản có 44/60 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 1 đội văn nghệ với gần 8 thành viên được duy trì, hoạt động, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ, hằng năm có từ 2 - 3 em theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.
Những nét đẹp văn hóa truyền thống qua trang phục dân tộc, hay nếp nhà sàn vẫn được bà con người Mường nơi đây gìn giữ.
Theo trưởng bản Lò Văn Dân, không chỉ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa thông qua trang phục, phong tục tập quán, lễ hội, nhạc cụ dân tộc, trò chơi trò diễn... người dân nơi đây còn gìn giữ cẩn thận những nếp nhà sàn truyền thống - biểu trưng cho những giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng. Hiện toàn bản có hơn 90% hộ gia đình còn lưu giữ được nhà sàn.
Nằm trong quần thể khu du lịch Pù Luông, Eo Kén - với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, đang dần trở thành một điểm đến của khách du lịch. Du khách đến Eo Kén có thể chọn được các điểm săn mây lý thú, trải mình trong cảnh quan thơ mộng, trữ tình, thưởng thức ẩm thực của người dân bản địa, hoặc hòa cùng lời ca, điệu múa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Do tiếp giáp với điểm du lịch cộng đồng bản Hang (xã Phú Lệ), du khách sau khi trải nghiệm, ăn uống tại bản Hang có thể khám phá cảnh quan thiên nhiên, ruộng bậc thang, hệ thống nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc ở thôn Eo Kén thông qua cung đường kết nối Pà Ban - Eo Kén - bản Hang và ngược lại bằng hình thức đi bộ hoặc xe máy. Với lợi thế sẵn có cũng như mang nhiều nét tương đồng đặc trưng về thiên nhiên, khí hậu, cảnh quan với các bản du lịch cộng đồng trong xã như: Kho Mường, Báng, Pù Luông... nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
Ông Hà Văn Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội UBND xã Pù Luông cho biết, cuộc sống bình yên tại Eo Kén cùng tình cảm nồng hậu của người dân cũng như sự hòa quyện giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của rừng núi ôm ấp những cụm dân cư với kiến trúc nhà sàn truyền thống... đã và đang tạo sức hút cho du khách qua nơi đây. Tuy nhiên, dù có tiềm năng, nhưng việc phát triển du lịch ở Eo Kén còn khó khăn bởi hạn chế về hạ tầng giao thông, người dân chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong làm du lịch cộng đồng, chưa tạo ra các sản phẩm đặc trưng để níu chân du khách. Song song với việc lồng ghép các nhiệm vụ XDNTM, giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn nét văn hóa truyền thống, khuyến khích các hộ dân chăn nuôi một số con đặc sản như lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, trồng rau sạch, mở rộng diện tích cây quýt hoi cung cấp nguồn thực phẩm, hàng hóa cho các điểm du lịch quanh vùng. Đồng thời, xây dựng các cơ sở lưu trú, học cách làm du lịch ở các thôn, bản trong xã như: Báng, Pù Luông, Kho Mường... để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Hy vọng một ngày không xa, Eo Kén sẽ đón được nhiều du khách đến nơi này.
Bài và ảnh: Viết Trung