Trẻ em ở Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh VŨ MỪNG)
Dưới ánh nắng mong manh của sáng sớm mùa xuân, từng mái nhà gam nâu trầm, nhuốm mầu thời gian càng thêm se sắt giữa thung lũng. Qua bao nhiêu mùa xuân, mùa hoa với đủ mọi cung bậc thân phận của đất và người, mỗi mái nhà, mỗi gian bếp đang bừng hơi ấm trong lạnh giá đều chất chứa những câu chuyện đầy yêu thương, nhẫn nại.
Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm thuộc địa bàn xã Sủng Là (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), là nơi sinh sống của hơn 70 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu thuộc ba dân tộc: H’Mông, Lô Lô và Hoa, trong đó, người H’Mông chiếm khoảng hơn 85% dân số. Lũng Cẩm gần như giữ được trọn vẹn vẻ cổ kính với những ngôi nhà trình tường có tuổi đời hàng trăm năm. Theo thời gian, các mái nhà phủ một lớp rêu xanh, càng tô điểm thêm vẻ thâm trầm, bí ẩn.
Nhịp sống nơi đây không vội vã, cũng chẳng quá thong dong. Nói cho đúng thì người dân nơi đây cứ túc tắc hết việc này sang việc khác, như lẽ đương nhiên của miền đất: “Sợi lanh như tơ nối dài câu hát/ Đá núi hiên ngang thành quách nghìn năm”. Người già lụi cụi bên bếp lửa, phụ nữ thu vén việc nhà cửa, ruộng nương, đàn ông vào rừng…
Nhịp sống cứ bình lặng hòa cùng nhịp điệu thiên nhiên. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng từng đôi mắt vẫn ánh lên sự bình thản đến lạ kỳ. Khi thấy khách xa, người dân nở nụ cười chất phác, mời khách ghé nhà, nhanh tay rót vào bát rượu ngô nồng ấm.
Thời gian gần đây, Lũng Cẩm đã trở thành điểm đến quen thuộc với du khách. Mỗi mùa, ngôi làng nhỏ bé lại như khoác lên mình sắc áo mới. Mùa xuân là mùa hoa đào, hoa mận, hoa mơ nở khắp núi rừng. Mùa hè là mầu xanh mướt mát trên từng thửa ruộng bậc thang. Mùa thu lúa chín vàng như dệt tơ dệt lụa. Mùa đông sương mù bao phủ tạo nét bảng lảng, huyền ảo như xứ sở thần tiên.
Đắm say trước vẻ đẹp nên thơ ấy, nhiều đạo diễn đã chọn nơi đây làm bối cảnh chính cho các bộ phim, như: “Chuyện của Pao”, “Lặng yên dưới vực sâu”. Vẻ đẹp sâu thẳm của nhà trình tường, bờ rào đá, giếng cổ… và đời sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số đều được ghi dấu qua những khung hình tuyệt đẹp, khiến Lũng Cẩm ngày càng đón thêm nhiều khách ghé thăm.
Ngôi nhà của ông Mua Súa Páo (bối cảnh chính của phim “Chuyện của Pao”) hiện thuộc quyền sở hữu của cháu nội ông và vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoài cổ, trở thành minh chứng cho một phần lịch sử đầy thăng trầm của Lũng Cẩm. Từng chi tiết, đường nét kiến trúc của nhà trình tường kết tụ tinh hoa, tâm huyết gợi lên cảm giác bâng khuâng, thiêng liêng. Khu nhà được thiết kế theo một tổ hợp kiến trúc khép kín theo bốn hướng, chính giữa là sân trời.
Nhà có tường trình bằng đất, mái lợp ngói máng âm dương, cửa gỗ thấp, cột, kèo, ván bưng và sàn đều làm bằng gỗ, móng nhà, hiên nhà, chân cột và sân đều làm bằng đá xanh. Phía dưới gian nhà chính là hầm, ngay gian cổng được đặt cối xay thóc, đối diện là gian phụ gồm nhà kho và bếp. Bao quanh toàn bộ khuôn viên nhà là tường rào bằng đá, tất cả đều hơn trăm năm tuổi. Nhà trình tường có tường rất dày, khoảng 50 cm giúp không gian luôn ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, tựa “chiếc tổ” bao bọc con người khỏi khắc nghiệt của thời tiết xứ rẻo cao.
Điểm đặc biệt trong ngôi nhà của người H’Mông là nét uy nghiêm của tấm vải đỏ treo ngay trước cửa, tượng trưng cho sức mạnh, niềm tin mạnh mẽ của con người vào đấng tối cao. Qua cánh cửa, gian giữa là nơi gia chủ đặt bàn thờ tổ tiên, thể hiện sự tôn kính với người đã khuất. Các gian còn lại là phòng ngủ của chủ nhà và con cái, một không gian ấm cúng, thân thương.
Nhà nào cũng có một gác nhỏ, không gian chỉ dành riêng cho đàn ông trong gia đình, nơi chứa đựng hiện vật quý giá, có thể gắn với cả những bí mật và kỷ niệm thiêng liêng của cả đại gia đình. Qua các phòng ngủ là một cánh cửa nhỏ dẫn xuống bếp, trên gác bếp treo lúc lỉu những túm ngô giống, hạt kê giống để dành cho mùa sau như một lời nhắc nhở niềm hy vọng khi mầm sống sẽ tiếp tục được vun xới.
Bên bếp lửa, người già vẫn rưng rưng kể câu chuyện về tháng ngày gian khó. Đồng bào dân tộc từng phải sống trong vòng xoáy của nỗi đau chiến tranh, đói nghèo, tệ nạn… nhưng vẫn kiên cường bám trụ với đất, với rừng. Người H’Mông ở Lũng Cẩm tiếp tục bảo tồn giá trị truyền thống từ trồng lanh, dệt vải. Qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ H’Mông, từng sợi lanh mềm mại được nhuộm mầu sắc của cây lá nơi núi rừng, in dấu trên trang phục và trở thành biểu tượng của những ngày lễ Tết, tín ngưỡng quan trọng. Hình ảnh người phụ nữ hay các bé gái vừa chớm tuổi cập kê cần mẫn ngồi bên hiên nhà, cuộn lanh trong tay, những chiếc váy rực rỡ được dệt từ đôi tay tài hoa trở thành cảnh sắc quen thuộc níu chân du khách.
Bên bờ rào đá và gian hàng truyền thống theo kiến trúc địa phương, ông Mua Mí Pó tự hào chia sẻ câu chuyện gia đình mình từ hộ khó khăn, sau khi cải tạo vườn tạp trồng cây lê theo đề án của huyện, nhận hỗ trợ cây giống, phân bón đến nay đã cho thu nhập 50-70 triệu đồng mỗi năm… Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là Lê Thị Bộ cho biết: Trên địa bàn thôn và xã có nhiều hộ gia đình thu nhập khá nhờ trồng cây lê. Xã luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất xấu sang trồng lê để vừa có thu nhập cao hơn, vừa có thể khai thác du lịch theo mùa hoa, mùa quả. Như vậy, những loài hoa thuần khiết giữa núi rừng không chỉ đẹp mà còn kết tụ quả ngọt nhờ sự cần cù, sẵn sàng thay đổi để vươn lên.
Một ngôi làng đẹp như tranh giữa cao nguyên đá với nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc chính là tiềm năng thu hút du khách. Tuy nhiên, để du lịch tại Lũng Cẩm phát triển bền vững, cần những giải pháp để bảo tồn giá trị văn hóa, thiên nhiên và đồng thời tạo ra lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Các cấp chính quyền địa phương đã và đang bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc tại Lũng Cẩm với các nội dung: Phục dựng, phát huy nghi lễ, tín ngưỡng; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục, kiến trúc, khuôn viên nhà ở; phát huy việc sưu tầm, gìn giữ và trưng bày hiện vật. Cùng với Lũng Cẩm, huyện Đồng Văn đã tạo sự kết nối thành hệ sinh thái du lịch với các làng văn hóa khác, như: Thôn Lô Lô Chải ở xã Lũng Cú, thôn Ma Lé ở xã Má Lé.
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, người dân đã và đang tích cực phát triển loại hình du lịch cộng đồng; mua sắm thêm các trang thiết bị để làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Công tác khôi phục văn hóa dân tộc truyền thống nhận được sự quan tâm hơn. Thôn Lũng Cẩm đã thành lập đội văn nghệ để thường xuyên biểu diễn những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc phục vụ các ngày lễ, hội và khi khách du lịch có yêu cầu. Theo đánh giá từ các chuyên gia về du lịch cộng đồng, địa phương cần tăng cường nét độc đáo về văn hóa hơn nữa trong phát triển du lịch. Chính quyền địa phương và các tổ chức du lịch nên hợp tác tổ chức các lớp học, hội thảo hoặc lễ hội truyền thống. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo cho người dân về cách thức bảo tồn văn hóa, truyền thống, giúp họ nhận thức được giá trị văn hóa của mình.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch là cải thiện kết cấu hạ tầng. Tuy Lũng Cẩm đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách, nhưng hệ thống giao thông, lưu trú, dịch vụ chưa phát triển đồng bộ. địa phương cần có những cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng, tiện nghi hơn để thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.
Du lịch chỉ thực sự phát triển bền vững khi cộng đồng địa phương được tham gia và hưởng lợi. Cộng đồng các dân tộc ở Lũng Cẩm vốn mến khách, chân thành, song còn thiếu kỹ năng và kiến thức để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp. Do đó, các cấp quản lý cần đào tạo kỹ năng cho người dân trong việc hướng dẫn du lịch, cung cấp dịch vụ, giao tiếp với du khách, bảo vệ môi trường và văn hóa.
Lũng Cẩm sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa phương có thể kiến tạo thêm các tour du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, hoặc các hoạt động dã ngoại kết hợp với bảo vệ thiên nhiên như tham quan các khu bảo tồn, leo núi, chụp ảnh hoa tam giác mạch, cắm trại, hoặc tham gia vào các hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân địa phương... sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích vẻ đẹp kỳ vĩ mà hoang sơ, đậm đà bản sắc.
LỮ MAI