Bịt lỗ hổng giết mổ chui để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

Bịt lỗ hổng giết mổ chui để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi
15 giờ trướcBài gốc
Dịch bệnh gia tăng do giấu dịch, giết mổ chui
Trước thực trạng đáng báo động trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu tăng cường tiêm vaccine, truy xuất nguồn gốc và sửa đổi chế tài xử phạt để khép kín chuỗi phòng, chống dịch.
Tại buổi làm việc ngày 15/7 về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý việc siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, nâng cao hiệu quả giám sát thú y trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng tái phát tại nhiều ổ dịch cũ trên cả nước.
Báo cáo từ Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 27 tỉnh, thành phố (theo đơn vị hành chính sau sáp nhập), với hơn 29.600 con lợn mắc bệnh, hơn 30.400 con chết và buộc phải tiêu hủy.
Đáng chú ý, hiện vẫn còn 248 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 20 địa phương, số lợn mắc bệnh lên tới gần 20.000 con, cho thấy mối đe dọa dịch bệnh vẫn đang rình rập nhiều vùng chăn nuôi quy mô nhỏ, điều kiện vệ sinh kém, thiếu an toàn sinh học.
Vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.
Dù số ổ dịch và số lợn tiêu hủy có giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 (giảm lần lượt 41% và 60%), nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Phan Quang Minh cho rằng, nguyên nhân chính là tình trạng giấu dịch vẫn diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức bán chạy, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn ra môi trường hoặc báo cáo không trung thực.
Những hành vi này xuất phát từ tâm lý lo sợ thiệt hại kinh tế, thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ và sự lỏng lẻo trong giám sát, xử lý của chính quyền cơ sở. Một số cán bộ thú y tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, dẫn tới lỗ hổng lớn trong chuỗi phòng, chống dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, dù đã có quy định xử phạt hành vi vứt xác lợn bệnh ra môi trường, nhưng Cục Chăn nuôi và Thú y chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc xử lý vi phạm này, cho thấy tính răn đe của pháp luật còn yếu và chưa được thực thi nghiêm túc ở nhiều địa phương.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi khi có dịch cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Thủ tục hành chính rườm rà và thời gian giải ngân kéo dài khiến người dân không đủ nguồn vốn để tái sản xuất, buộc phải bán chạy lợn bệnh nhằm hạn chế thiệt hại, vô hình trung góp phần làm lan rộng mầm bệnh.
Theo ông Minh, nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, công tác kiểm soát dịch tả lợn châu Phi sẽ luôn trong tình trạng bị động, khó ngăn chặn tận gốc.
Trong khi đó, giải pháp mang tính kỹ thuật quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho đàn lợn. Việt Nam hiện đã cấp phép lưu hành 3 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi gồm NAVET-ASFVAC do Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất, AVAC ASF LIVE của Công ty CP AVAC Việt Nam và Dacovac-ASF2 của Tập đoàn Dabaco.
Tính đến giữa tháng 7/2025, tổng lượng vaccine do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt hơn 6,6 triệu liều. Cụ thể, Công ty Navetco đã sản xuất 2,2 triệu liều, cung ứng trong nước gần 950.000 liều, xuất khẩu 7.000 liều sang Cộng hòa Dominica, hiện còn tồn kho hơn 400.000 liều và đang dự kiến sản xuất thêm 300.000 liều.
Công ty AVAC đã sản xuất trên 4,4 triệu liều, trong đó hơn 3,1 triệu liều được phân phối trong nước và trên 516.000 liều xuất khẩu. Riêng trong tháng 4/2025, AVAC đã sản xuất gần 71.000 liều, hiện còn tồn kho hơn 183.000 liều và dự kiến sản xuất tiếp 150.000 liều.
Kiểm soát chặt từ trại nuôi đến lò mổ
Để phát huy hiệu quả vaccine, Cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng cho đàn lợn, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ cao hoặc đã từng có dịch. Đồng thời, cần sớm xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ thịt lợn sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thú y và chính quyền các địa phương tập trung vào các giải pháp then chốt như giám sát chặt chẽ và chủ động phát hiện sớm dịch bệnh, tiêu hủy ngay lợn mắc hoặc nghi mắc bệnh; tổ chức tiêm phòng vaccine trên diện rộng; xây dựng vùng và chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học; nghiên cứu thêm về đặc điểm dịch tễ của virus dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các chủng virus tái tổ hợp đang lưu hành.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu tăng cường kiểm dịch động vật tại các chốt, cửa khẩu, bến xe, bến cảng, kiểm tra kỹ giấy tờ và nguồn gốc xuất xứ của lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Đối với hoạt động giết mổ lợn, chỉ cho phép giết mổ lợn khỏe mạnh, có truy xuất nguồn gốc. Các lò mổ phải thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xử lý chất thải đúng quy định. Các hành vi vi phạm trong giết mổ, buôn bán lợn bệnh hoặc sản phẩm thịt không an toàn phải được xử lý triệt để nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ ổn định thị trường thực phẩm.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng đề nghị sớm rà soát, sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo hướng tăng mức phạt đối với hành vi giấu dịch, vứt xác lợn bừa bãi, vận chuyển hoặc tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc.
Hệ thống thú y cơ sở, đặc biệt tại cấp xã cần được củng cố cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất, bởi sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, địa bàn rộng hơn nhưng biên chế chưa được điều chỉnh tương xứng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được nhấn mạnh như một giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng. Bộ yêu cầu các địa phương tăng cường phổ biến các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh, đặc biệt là thông tin về hiệu quả và an toàn của vaccine dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu các chế tài xử phạt hành chính, hình sự trong lĩnh vực thú y và an toàn thực phẩm, giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình và hạn chế vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định, an toàn dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch, hướng tới xuất khẩu và phát triển nông nghiệp tuần hoàn, thì việc kiểm soát giết mổ chui, buôn bán lợn bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tổ chức tiêm phòng vaccine đầy đủ sẽ là những mắt xích quan trọng cần hoàn thiện ngay từ lúc này.
Linh Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/bit-lo-hong-giet-mo-chui-de-kiem-soat-dich-ta-lon-chau-phi-d332635.html