Đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo CoinDesk, tính đến 8h30 sáng (theo giờ miền Đông nước Mỹ), đồng Bitcoin được giao dịch ở mức 97.466 USD sau khi tăng lên mức cao nhất là 98.349 USD.
Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng đột biến của đồng tiền mã hóa có giá trị lớn nhất thế giới này xuất phát từ sự thay đổi sắp tới trong chính trường Mỹ, với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiền điện tử, đã tạo ra một làn sóng lạc quan mới trên thị trường. Ông đã cam kết biến Mỹ thành trung tâm tiền điện tử của thế giới và tạo ra "dự trữ chiến lược" bằng đồng Bitcoin. Cùng với đó, sự ra đời của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đã mở ra kênh đầu tư mới hấp dẫn cho các nhà đầu tư truyền thống, đẩy nhu cầu đối với Bitcoin lên cao. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều nhà đầu tư tìm đến Bitcoin như một tài sản phòng ngừa lạm phát.
Mặc dù triển vọng hiện tại rất sáng sủa, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý rằng thị trường tiền điện tử vẫn còn rất biến động. Giá Bitcoin có thể giảm mạnh trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi có những biến động bất ngờ trên thị trường.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, đồng Bitcoin chỉ ở mức trên 5.000 USD. Giá của đồng tiền này đã tăng lên gần 69.000 USD vào tháng 11/2021 - thời điểm nhu cầu về tài sản công nghệ cao. Sau đó, Bitcoin đã sụp đổ trong một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed - Ngân hàng trung ương) nhằm kiềm chế lạm phát. Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX vào cuối năm 2022 đã làm suy yếu đáng kể niềm tin vào tiền điện tử nói chung và Bitcoin đã giảm xuống dưới 17.000 USD.
Các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại với số lượng lớn khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt và mức tăng vọt nhờ sự mong đợi và sau đó là thành công ban đầu của các ETF giao ngay. Các chuyên gia vẫn cảnh báo các nhà đầu tư vẫn hết sức thận trọng, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư có vốn nhỏ. Ngoài ra, việc khai thác Bitcoin tiêu tốn rất nhiều năng lượng và gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là vấn đề đang được cộng đồng quan tâm và các nhà phát triển đang tìm cách giải quyết.
Lan Phương (TTXVN)