Phần lớn nhân viên Trung Quốc của tập đoàn Foxconn (Đài Loan) tại các nhà máy iPhone ở miền nam Ấn Độ đã được yêu cầu về nước trong một động thái bắt đầu khoảng hai tháng trước, những người quen thuộc vấn đề này tiết lộ với Bloomberg, yêu cầu giấu tên vì thông tin là riêng tư. Hơn 300 lao động người Trung Quốc của Foxconn đã rời đi, nhưng phần lớn nhân viên hỗ trợ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn ở lại Ấn Độ, theo một trong những nguồn tin của Bloomberg.
Chưa rõ ngay lập tức tại sao Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, lại đưa các nhân viên này về Trung Quốc. Foxconn là hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng số 1 thế giới.
Đầu năm nay, các quan chức Trung Quốc đã khuyến nghị bằng lời nói với những cơ quan quản lý và chính quyền địa phương nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ và xuất khẩu thiết bị sang Ấn Độ lẫn Đông Nam Á, trong nỗ lực tiềm năng nhằm ngăn các công ty dịch chuyển sản xuất sang nơi khác, trang Bloomberg đưa tin.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, từng ca ngợi kỹ năng và chuyên môn của nhân viên lắp ráp Trung Quốc, nhấn mạnh đây là lý do chính chứ không chỉ vì chi phí rẻ hơn để đặt phần lớn hoạt động sản xuất của Apple tại quốc gia này. Việc hơn 300 nhân viên Trung Quốc rời khỏi Ấn Độ sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, nhưng có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả trên dây chuyền lắp ráp, theo một trong những nguồn tin của Bloomberg.
Sự thay đổi này đến vào thời điểm không mấy thuận lợi cho Apple, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ chuẩn bị tăng cường sản xuất dòng iPhone 17 thông qua các đối tác của mình ở Ấn Độ. Foxconn đang trong quá trình xây dựng một nhà máy iPhone mới ở miền nam Ấn Độ.
Đại diện của Apple từ chối bình luận. Foxconn không phản hồi câu hỏi từ Bloomberg.
Foxconn rút hơn 300 nhân viên Trung Quốc khỏi Ấn Độ, Apple gặp trở ngại khi chuẩn bị tăng cường sản xuất dòng iPhone 17 - Ảnh: Internet
Động thái của Foxconn diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp nhằm làm khó việc chuyển giao công nghệ, lao động lành nghề và thiết bị chuyên dụng sang các quốc gia mới nổi về sản xuất như Ấn Độ.
Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang cố gắng thu hút các hãng công nghệ toàn cầu, tận dụng căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều hãng phải đa dạng hóa địa điểm sản xuất.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đó bắt đầu dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc Apple chuyển một số hoạt động lắp ráp thiết bị sang Ấn Độ và Việt Nam. Việc đa dạng hóa nay càng được thúc đẩy bởi các kế hoạch áp thuế mới của ông Trump, mà Trung Quốc đã đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm, lao động và công nghệ.
Dù vẫn sản xuất hầu hết iPhone ở Trung Quốc, Foxconn dần xây dựng các hoạt động lắp ráp đáng kể ở Ấn Độ những năm gần đây. Foxconn đã triển khai một số lượng lớn kỹ sư Trung Quốc có kinh nghiệm đến Ấn Độ để giúp đẩy nhanh quá trình mở rộng.
Các quản lý người Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân viên Foxconn ở Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này bắt đầu lắp ráp iPhone ở quy mô lớn cách đây khoảng 4 năm và hiện chiếm 1/5 tổng sản lượng iPhone toàn cầu.
Apple đã lên kế hoạch sản xuất hầu hết iPhone cho thị trường Mỹ tại Ấn Độ vào cuối năm 2026, một động thái bị ông Trump chỉ trích. Tổng thống Trump nói rằng Apple nên sản xuất iPhone cho khách hàng Mỹ tại nước này.
Cuối tháng 5, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% với các mẫu iPhone bán ở Mỹ nhưng không được sản xuất tại đây, như một phần trong mục tiêu của chính quyền ông nhằm đưa việc làm quay trở lại nước này. Hơn 60 triệu chiếc điện thoại được bán ra hàng năm tại Mỹ, nhưng nước này không có ngành sản xuất smartphone.
Ông Trump nói với các phóng viên rằng mức thuế 25% này cũng sẽ được áp dụng với Samsung Electronics và các hãng sản xuất smartphone khác.
Bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm ngăn chặn kỹ sư có kinh nghiệm chuyển sang Mỹ sẽ khiến các kế hoạch sản xuất thiết bị trong nước càng khó thành hiện thực hơn với Apple.
Foxconn lần đầu sản xuất vỏ iPhone ở Ấn Độ
Foxconn đang tiến thêm một bước nữa để củng cố vai trò trong chiến lược sản xuất của Apple tại Ấn Độ. Sau nhiều năm chủ yếu tập trung lắp ráp iPhone, tập đoàn Đài Loan chuẩn bị sản xuất vỏ iPhone ở nước này lần đầu tiên.
Theo trang The Economic Times, Foxconn đang thành lập một đơn vị mới tại Khu công nghiệp ESR ở Oragadam (thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, Ấn Độ), tập trung đặc biệt vào việc sản xuất vỏ kim loại cho iPhone.
Vỏ thường được gọi là khung iPhone, đến nay chỉ được sản xuất tại Ấn Độ bởi Tata Electronics, công ty gần đây gây chú ý với tư cách là đối tác mới của Apple trong việc sửa chữa iPhone và MacBook ở quốc gia Nam Á này.
Tata Electronics là bộ phận sản xuất thiết bị điện tử của tập đoàn Tata Group (Ấn Độ).
Với Foxconn, đây là bước đột phá đầu tiên vào phân khúc này trong chuỗi cung ứng iPhone trên đất Ấn Độ. Đến nay, hoạt động của Foxconn tại Ấn Độ chủ yếu tập trung vào việc lắp ráp iPhone tại cơ sở Sriperumbudur (bang Tamil Nadu), cùng các dự án mới hơn như lắp ráp AirPods ở thành phố Hyderabad (bang Telangana) và một nhà máy lắp ráp iPhone lớn sắp ra mắt gần thành phố Bengaluru (bang Karnataka).
Động thái này sẽ giúp Foxconn tăng nhẹ tỷ lệ giá trị sản xuất iPhone được thực hiện tại địa phương, dù tác động tổng thể vẫn còn nhỏ. Vỏ thường chỉ chiếm 2 - 3% tổng chi phí vật liệu của iPhone.
Ngay cả với việc mới này, tỷ lệ giá trị sản xuất iPhone tại Ấn Độ của Foxconn có thể vẫn dưới 10%, theo Neil Shah - nhà phân tích ngành và đồng sáng lập của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
Ông cũng lưu ý rằng Apple đã mua vỏ từ nhiều nhà cung cấp trên toàn cầu, gồm cả Foxconn ở các khu vực khác, vì vậy việc mở rộng khả năng đó sang Ấn Độ là một bước đi hợp lý tiếp theo.
Việc xây dựng đơn vị mới của Foxconn đã được tiến hành. Nó đang được xây trong cùng khu công nghiệp với một cơ sở Foxconn khác sắp ra mắt sẽ xử lý việc lắp ráp mô đun màn hình cho iPhone.
Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, Foxconn đã xuất khẩu số iPhone trị giá 3,2 tỉ USD từ Ấn Độ, với khoảng 97% được chuyển đến Mỹ. Con số này so với mức khoảng 50,3% cùng kỳ năm 2024, theo dữ liệu hải quan mà hãng tin Reuters tiếp cận được.
Lượng iPhone mà Foxconn gửi từ Ấn Độ đến Mỹ trong tháng 5.2025 có giá trị gần 1 tỉ USD, mức cao thứ hai từ trước đến nay, chỉ sau kỷ lục 1,3 tỉ USD đạt được vào tháng 3, theo Reuters.
Trong năm tháng đầu năm 2025, Foxconn đã xuất khẩu số iPhone trị giá 4,4 tỉ USD từ Ấn Độ sang Mỹ, so với tổng cộng 3,7 tỉ USD của cả năm 2024.
Apple đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất tại Ấn Độ để tránh các mức thuế quan sẽ khiến iPhone được tạo ra ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn khi bán tại Mỹ. Vào tháng 3, Apple đã thuê các máy bay riêng để vận chuyển số iPhone 13, 14, 16 và 16e trị giá khoảng 2 tỉ USD sang Mỹ.
Công ty Mỹ đã vận động các nhà chức trách Ấn Độ rút ngắn thời gian thông quan tại sân bay Chennai (bang Tamil Nadu) từ 30 giờ xuống còn 6 giờ, theo hãng tin Reuters. Sân bay này là một trung tâm quan trọng cho việc xuất khẩu iPhone.
“Chúng tôi dự báo iPhone được sản xuất tại Ấn Độ sẽ chiếm 25% đến 30% lượng iPhone xuất xưởng toàn cầu trong năm 2025, so với mức 18% của năm 2024”, Prachir Singh, nhà phân tích cấp cao tại hãng Counterpoint Research, cho biết.
Tata Electronics trung bình đã xuất khẩu gần 86% sản lượng iPhone của mình sang Mỹ trong tháng 3 và 4, theo dữ liệu hải quan.
Tata Electronics mới bắt đầu xuất khẩu iPhone từ tháng 7.2024, và chỉ có 52% số iPhone trong năm ngoái được gửi sang Mỹ, theo dữ liệu. Tata Group đã mua lại các nhà máy lắp ráp iPhone của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi những năm gần đây đã tích cực quảng bá nước này là trung tâm sản xuất smartphone. Thế nhưng, mức thuế cao với việc nhập khẩu linh kiện điện thoại so với nhiều quốc gia khác khiến chi phí sản xuất tại Ấn Độ vẫn còn cao.
Trước đây, Apple bán hơn 60 triệu chiếc iPhone mỗi năm tại Mỹ, với khoảng 80% được sản xuất ở Trung Quốc.
Apple chiếm gần 8% thị phần smartphone tại Ấn Độ, với doanh thu (phần lớn từ iPhone) đạt gần 8 tỉ USD trong năm tài chính 2024.
Sơn Vân