Cũng như các năm trước, trong những ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ghi nhận lượng lớn Gen Z "xúng xính" áo dàicó phần giống nhau, nhưng mỗi người lại mang đến một hình ảnh rất riêng, bởi sự đa dạng, phong phú về kiểu dáng và màu sắc. Đặc biệt, vì muốn tạo sự nổi bật, nhiều bạn chọn những concept chụp ảnh độc đáo, phá cách để gây bất ngờ cho người xem.
Trong vai “bà hội đồng”, Hà Diễm ghi lại những khoảnh khắc từ “nhí nhố” khi chụp ảnh ngoài phố.
Và hình ảnh uy nghiêm trong ngôi nhà cổ 130 năm tuổi Huỳnh Thủy Lê (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).
Để trang phục không đơn điệu, các bạn trẻ đã mang theo nhiều loại phụ kiện để làm bạn diễn. Phổ biến nhất là các cành hoa, giỏ xách, kính râm, quạt cầm tay…Trước trào lưu này, nhiều ý kiến cho rằng Gen Z đã "rút kinh nghiệm" từ những năm trước, bởi Tết là khoảng thời gian vô cùng bận rộn, các địa điểm chụp ảnh cũng sẽ đông đúc hơn, rất khó để có thể thoải mái tạo kiểu, chụp hình.
Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, Hà Diễm (thuộc thế hệ đầu Gen Z) cho biết, bản thân đã chọn một bộ áo dài truyền thống màu xám kết hợp với hoa văn để hóa thân thành bà hội đồng. Lo sợ cận ngày Tết thì người chụp sẽ rất đông và phải chen chúc xếp hàng để có thể chụp những tấm ảnh đẹp, nhóm bạn đã đặt lịch chụp hình từ rất sớm và chọn cảnh ngoài đường phố, rồi vào nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).
“Để có được buổi chụp ảnh áo dài Tết thành công, cả nhóm của em đã dậy từ sớm trang điểm, lựa chọn trang phục, phụ kiện… và thuê xe vượt hơn 50km từ TP Cần Thơ đến làng hoa Sa Đéc. Tổng thời gian cả nhóm chuẩn bị và di chuyển đến đây mất khoảng 2-3 tiếng. Nhóm mình dành 950.000 đồng thuê áo dài, trang sức và phụ kiện. Nếu tính thêm chi phí ăn uống và xe cộ, khoản đầu tư cho buổi chụp ảnh Tết này rơi tầm khoảng 3,5 triệu đồng", Hà Diễm chia sẻ.
Theo Hà Diễm, cả nhóm không hề tiếc nuối khi bỏ ra công sức và tiền bạc cho buổi chụp ảnh áo dài Tết. Việc sở hữu những tấm ảnh đẹp, độc lạ chính là sở thích lớn nhất của nhóm bạn trẻ Gen Z này.
Chỉ với chiếc quạt và chọn góc ảnh phù hợp, Hà Diễm khéo léo ghi lại khoảnh khắc độc đáo của nhân vật.
Cùng nhóm với Diễm, Bảo Trân (SN 1997, đến từ TP Cà Mau) cho rằng, dù thuộc thế hệ đầu tiên Gen Z của xã hội hiện đại nhưng em vẫn thích những hoài cổ xưa cũ và không khí của cái Tết xưa, được bước chân đến ngôi nhà cổ tuổi đời 130 năm để tham quan và hòa mình vào ngôi nhà với từng góc chụp vô cùng tuyệt vời, cảm giác của em vô cùng yên bình và thân thuộc.
“Lối kiến trúc phương Đông thể hiện sự mềm mại qua những đường nét chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ hình chim muông, cây trái, tùng, cúc, trúc, mai trên gỗ quý. Điều đặc biệt là các họa tiết đó lại khắc họa cảnh sông nước Nam bộ sầm uất, cây trái xanh tươi, tượng trưng cho vùng đất trù phú này”, Bảo Trân nói.
Bảo Trân đang hòa mình vào ngôi nhà với từng góc chụp để thể hiện hết tính cách nhân vật.
Hà Diễm và Bảo Trân cho biết, cả nhóm không hề tiếc nuối khi bỏ ra công sức và tiền bạc cho buổi chụp ảnh áo dài Tết.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê) xây dựng năm 1895 và trùng tu năm 1917. Ngôi nhà này có lối kiến trúc trang hoàng, độc đáo, thể hiện kiến trúc Đông Tây kết hợp. Cụ thể là lối kiến trúc truyền thống cao ráo, bên trong thoáng mát, tường được xây bằng gạch rất dày từ 30 - 40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực.
Nhà có ba gian, đây là loại nhà truyền thống của người Việt, cửa gỗ chạm khắc rất công phu, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái nhà.
Ngoài nét kiến trúc độc đáo, ngôi nhà cổ này còn là nơi cư ngụ của ông Huỳnh Thủy Lê - người tình đầu tiên của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng “Người tình” năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean - Jacques Annaud chuyển thể thành phim “L’Amant” năm 1992.
Thái Cường