Bọ biển bị cảnh báo 'tuyệt chủng' khi thành đặc sản ở Việt Nam

Bọ biển bị cảnh báo 'tuyệt chủng' khi thành đặc sản ở Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Thịt của loài bọ biển có hương vị thơm ngon, được so sánh với thịt tôm hùm. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bean.
Bọ biển trở thành món ăn "hot", đang được bày bán khá phổ biến ở các nhà hàng hải sản tại Việt Nam với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một kg tùy vào kích thước.
Loài sinh vật biển này có tên Bathynomus vaderi (B. vaderi) bởi phần đầu giống với chiếc mũ bảo hiểm của nhân vật Darth Vader trong phim Star Wars. Loài mới này được chính thức mô tả vào ngày 14/1 trên tạp chí ZooKeys.
Ngư dân đã bắt được bọ biển B. vaderi khi đang đánh bắt ở vùng biển sâu ngoài Biển Đông, cách bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 50 hải lý về phía tây quần đảo Trường Sa. Không giống như các loài bọ biển siêu khổng lồ khác từng được phát hiện ở Biển Đông, B. vaderi có đoạn cuối cùng của đôi chân sau hẹp dần và hơi cong về phía sau.
Loài bọ biển được khai thác và bày bán phổ biến tại Việt Nam với nhiều kích thước khác nhau. Chúng thường được dùng để nướng hoặc hấp. Ảnh: Hồng Vân.
Với phần thịt có giá trị dinh dưỡng cao, được so sánh với tôm hùm, bọ biển B. vaderi được bày bán như một món ăn đặc sản tại các nhà hàng. Ban đầu, giá trị của chúng rất cao, một số con từng được bán với giá lên tới 2 triệu đồng/kg vào năm 2017.
Tuy nhiên, khi bọ biển trở nên phổ biến hơn, ngư dân đánh bắt ngày càng nhiều, giá bán của bọ biển cũng giảm nhiều hơn. Đến đầu năm 2024, các con bọ có cân nặng 1-2 kg được bán với giả khoảng 1 triệu đồng/kg.
Điều đáng lo ngại là bọ biển phát triển rất chậm, khiến chúng dễ bị khai thác cạn kiệt nếu không có biện pháp quản lý hợp lý.
"Những sinh vật này phát triển không nhanh và nếu chúng trở thành món ăn đặc biệt hiếm, chúng ta có thể khai thác chúng tới mức tuyệt chủng", Tiến sĩ Lanna Cheng, giáo sư danh dự về sinh học biển tại Đại học California, San Diego nhận định.
Tiến sĩ Conni Sidabalok thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia, đang kiểm tra các mẫu vật Bathynomus vaderi tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian ở Singapore. Ảnh: Rene Ong.
Bọ biển siêu khổng lồ, bao gồm B. vaderi, thuộc họ chân đốt isopod, đặc trưng bởi lớp vỏ ngoài cứng và bảy đôi chân. Nhóm nghiên cứu đã thu mua các loài giáp xác từ ngư dân và nhà hàng để nghiên cứu và phát hiện một số đặc điểm khác biệt của B. vaderi so với các mẫu vật Bathynomus khác. Một trong những mẫu vật lớn nhất dài tới 32,5 cm, nặng hơn 1 kg, biến B. vaderi thành một trong những loài chân đốt lớn nhất thế giới.
Chúng sống ở đáy biển sâu, ăn xác động vật chết và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng, điều này khiến loài vật này trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn dưới biển. Theo tiến sĩ Conni Sidabalok, tác giả nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia tại Indonesia, kích thước lớn giúp chúng có lợi thế cạnh tranh và tăng khả năng sinh tồn trong môi trường đáy biển khắc nghiệt.
Hiện chỉ có 11 loài Bathynomus "siêu khổng lồ" và 9 loài "khổng lồ" được ghi nhận, trong đó còn nhiều loài đang chờ được mô tả chính thức. Việc khám phá các loài này gặp nhiều khó khăn do độ sâu sinh sống của chúng. B. vaderi là loài siêu khổng lồ thứ hai được phát hiện ở Biển Đông, mở ra tiềm năng nghiên cứu thêm về quần thể Bathynomus.
Tiến sĩ Thanh Sơn Nguyễn - đồng tác giả nghiên cứu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Việt Nam, đang cầm con B. jamesi nặng 2.6 kg vào tháng 10/2024. Ảnh: Peter Ng.
"Nếu có cơ hội, chúng tôi muốn thực hiện thêm các khảo sát và có thể hợp tác với các nhà khoa học trong khu vực để tìm hiểu sâu hơn về những loài động vật đang sinh sống trong khu vực này", Sidabalok nói.
Nhóm nghiên cứu tin rằng B. vaderi tồn tại không chỉ ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam mà còn ở những nơi khác trong Biển Đông. Sidabalok cho biết cô hy vọng nghiên cứu này sẽ mở ra cánh cửa để tìm hiểu thêm về quần thể Bathynomus và giúp ngư dân phát triển các phương pháp khai thác bền vững hơn.
Hoàng Linh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/bo-bien-bi-canh-bao-tuyet-chung-khi-thanh-dac-san-o-viet-nam-post1525821.html