Khi bỏ cấp huyện và sáp nhập xã, chính quyền cấp xã phải quản lý địa bàn rộng lớn hơn, dân số đông hơn và khối lượng công việc cũng nhiều hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn về tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ, cũng như cách thức quản lý của chính quyền cấp cơ sở.
Cán bộ, công chức UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP.HCM) giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân. (Ảnh: Quốc Anh)
Chuyển 100% quyền hạn cấp huyện về cơ sở
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, dẫn Nghị định 33/2023 của Chính phủ quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, đối với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người; đối với xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
"Hiện nay, với mô hình chính quyền 3 cấp (tỉnh - huyện - xã), thẩm quyền của cấp xã có mức độ, các nhiệm vụ lớn do cấp tỉnh và cấp huyện giải quyết. Do đó, cấp xã với số lượng tối đa khoảng 25 cán bộ, công chức theo quy định hiện hành là phù hợp", ông Dĩnh nhận định.
Theo dự thảo Nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, do Bộ Nội vụ soạn thảo, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000.
"Thay vì giảm 60-70% số lượng cấp xã như đề xuất trước đó, thì hiện chỉ giảm khoảng 50%. Bên cạnh sự thay đổi về quy mô, Bộ Nội vụ cũng sửa tờ trình theo hướng tất cả công việc của huyện sẽ chuyển giao cho cấp cơ sở. Trước đó, Bộ đề xuất 85% quyền hạn, nhiệm vụ xuống cơ sở, 15% lên cấp tỉnh", nguyên Thứ trưởng nói.
Đồng thời, căn cứ thực tiễn, cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mỗi xã, phường cần không dưới 50-60 cán bộ, gấp đôi số lượng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu công việc.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc này thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho cấp cơ sở.
Để đáp ứng được các nhiệm vụ, quyền hạn mới, ông Dĩnh dẫn đề xuất của Bộ Nội vụ về việc UBND cấp cơ sở có 5 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp cơ sở); Phòng Kinh tế (với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Nội vụ - Tư pháp; Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, quy mô mở rộng, nhiệm vụ tăng thêm thì số lượng cán bộ cấp cơ sở cũng phải được bổ sung để đảm bảo hoạt động, phục vụ người dân.
Ông Dĩnh dẫn ví dụ dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh Bình Dương công bố hôm 28/3, sau khi sáp nhập theo tiêu chí diện tích và quy mô dân số, tỉnh Bình Dương sẽ giảm từ 91 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 27 đơn vị.
Theo định hướng của Trung ương, dự kiến tổ chức bộ máy ở cấp xã của tỉnh Bình Dương được bố trí từ 80-82 biên chế, trong đó 20 biên chế khối Đảng, 50 biên chế khối chính quyền, 10-20 biên chế khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
"Dự thảo đề án của tỉnh Bình Dương xây dựng khi chúng ta dự kiến giảm 60-70% số xã, nghĩa là còn khoảng 3.000-4.000 xã. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Nội vụ thông tin giảm còn 5.000 xã thì các địa phương phải xây dựng lại đề án.
Tôi cho rằng, sắp tới, mỗi xã, phường cần phải có không dưới 50-60 cán bộ, gấp đôi hiện nay, để đáp ứng nhu cầu công việc. Cụ thể bao nhiêu thì Bộ Nội vụ phải xây dựng Nghị định để quy định chi tiết", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu quan điểm.
Ông Dĩnh nhấn mạnh để đảm bảo nguồn nhân lực cho chính quyền cấp cơ sở, ngoài cán bộ, công chức cấp xã hiện có, cần điều chuyển cán bộ công chức tỉnh và huyện xuống làm việc.
Đặc biệt sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực với quy định không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh và Trung ương, thì việc điều chuyển này hoàn toàn dễ dàng.
"Luật sửa đổi quy định theo hướng cán bộ, công chức thống nhất về mặt chất lượng, đảm bảo liên thông xã lên tỉnh, tỉnh xuống xã. Tất nhiên, trước đây cũng liên thông nhưng phải có điều kiện, phải có văn bản, thủ tục để xin ý kiến cấp trên thì mới được liên thông", nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nói
Việc chọn người
TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu một trong những lưu ý quan trọng để đảm bảo việc thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và nâng quy mô xã được thuận lợi, hiệu quả là phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tái cấu trúc lại cơ cấu tổ chức của chính quyền cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã).
Đồng thời, phải xác định vị trí việc làm, biên chế của bộ máy chính quyền mới và phải đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức để lựa chọn, bố trí người làm việc vào bộ máy mới sau sáp nhập. Và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người chịu sự tác động của việc sáp nhập và bỏ cấp huyện.
So với cán bộ, công chức ở các cơ quan cấp trên, cán bộ cấp xã vẫn còn bộ phận thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về kỹ năng giao tiếp và thực thi công vụ.
TS Trần Anh Tuấn
Ông Tuấn nhận định, việc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương (cấp tỉnh và cấp cơ sở) sẽ được thực hiện mạnh mẽ. Chính quyền địa phương phải "tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm" trong triển khai các nhiệm vụ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) sẽ được trao nhiều thẩm quyền hơn trong quyết định các nhiệm vụ liên quan đến đất đai, đầu tư, phúc lợi xã hội…", ông Tuấn nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, vấn đề lo ngại về năng lực của cán bộ cấp xã hiện nay khi chức năng, nhiệm vụ sau sáp nhập có nhiều thay đổi là có cơ sở.
Trước đây, cấp xã chỉ có cán bộ bán chuyên trách, không có cán bộ, công chức, trình độ và năng lực còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Luật Cán bộ, công chức 2008, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được chuẩn hóa về trình độ, năng lực.
"Dù vậy, ý kiến của nhiều người dân cũng như cán bộ lãnh đạo cấp trên trực tiếp đều đánh giá rằng đến nay so với cán bộ, công chức ở các cơ quan cấp trên, cán bộ cấp xã vẫn còn bộ phận thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về kỹ năng giao tiếp và thực thi công vụ", TS Trần Anh Tuấn nêu thực tế.
Vì vậy, ông Tuấn kiến nghị, khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện, phải đánh giá, phân loại lại đội ngũ cán bộ, công chức của toàn hệ thống các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp cơ sở. Những ai làm việc được thì phải giữ lại và bố trí vào các vị trí việc làm phù hợp. Những ai không phù hợp với mô hình của bộ máy mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
TS Trần Anh Tuấn cũng nhắc đến việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức đang được Bộ Nội vụ đề xuất nhằm tạo cơ sở pháp lý xây dựng chế độ công vụ mới theo vị trí việc làm, năng động, trách nhiệm, minh bạch, thực tài và hiệu quả.
Cụ thể là bỏ phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh; thay thế chế độ tuyển dụng "biên chế suốt đời" bằng chế độ công chức hợp đồng theo vị trí việc làm.
"Bên cạnh chế độ tuyển dụng "công chức lâu dài" cần có thêm chế độ tuyển dụng "công chức hợp đồng" để đảm bảo tính ổn định, đồng thời đảm bảo tính năng động, linh hoạt của nền công vụ. Sau một thời gian làm việc, khi đánh giá nếu đáp ứng được việc thì tiếp tục làm, ngược lại, không đáp ứng công việc thì chấm dứt hợp đồng.
Song song với đó là lựa chọn những người có năng lực, đáp ứng vị trí việc làm để thay thế. Làm được như vậy mới có thể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức khi tinh gọn bộ máy", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cùng bàn luận, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, nhân sự cấp xã gồm 2 nhóm là chính khách và công chức hành chính, chuyên môn.
Trong đó, chính khách phải là người có tầm nhìn, định hướng phát triển xã, động viên và dẫn dắt được toàn bộ nhân dân theo tầm nhìn đó.
"Chúng ta cần lựa chọn một đội ngũ lãnh đạo chính trị như vậy, mà việc lấy phiếu tín nhiệm ở trong đảng chỉ là một bước. Bước thứ hai, những người được lựa chọn phải trình bày trước một hội đồng về tầm nhìn đưa địa phương (xã, phường) phát triển", ông Dũng nhấn mạnh.
Còn nhóm công chức hành chính, chuyên môn, theo ông Dũng, phải được tuyển chọn qua thi cử và được hưởng lương theo phân loại.
Vị chuyên gia đề xuất cải cách tiền lương theo phân loại để một công chức cùng hạng ở Trung ương, tỉnh và xã đều cùng một mức lương.
"Tránh tình trạng làm ở xã thuộc Hà Nội mức lương thế này, còn làm ở xã thuộc tỉnh thì mức lương thế kia. Nếu xếp hạng như vậy thì chỉ số KPI (đo lường và đánh giá hiệu quả công việc) phải rõ, đo kết quả cung cấp dịch vụ cho dân phải rõ. Chúng ta phải áp dụng các tiêu chuẩn của nền công vụ hiện đại, từ thi tuyển đến bổ nhiệm, kết quả đầu ra", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói thêm.
Anh Văn