Triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, trưng bày nhiều chuông mõ độc lạ, lần đầu xuất hiện trước công chúng.
Triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Triển lãm giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, qua đó thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu công bố tới đại chúng thông tin, mô hình 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam.
Du khách thích thú trải nghiệm gõ thử chiếc chuông bằng đá.
Những chiếc mõ hình con ếch. Phần gai sống lưng của các chú ếch có thể phát ra âm thanh khi cà dùi vào.
Lạ mắt với chiếc mõ bằng đá. Tuy được chế tác bằng đá nhưng vẫn giữ được "chất" của tiếng mõ nơi tôn nghiêm.
Một cư sĩ đang thực hiện nghi thức tắm Phật trong không gian triển lãm.
Có 87 bảo vật quốc gia được trang trí ở các khu trưng bày gồm: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam, họa đồ lịch sử Đức Phật và quy trình tạo tượng theo truyền thống dân tộc; không gian thiền trà, những bức tranh họa vàng, tranh chùa Việt, kinh sách, mộc bản, pháp khí, nhạc cụ...
Phiên bản tháp thời Lý được phỏng dựng dựa trên các tư liệu khảo cổ học, tư liệu lịch sử, kế thừa những công trình của người đi trước, mở rộng thêm các kiến giải mới, đồng thời ứng dụng công nghệ 3D trong quá trình nghiên cứu, phục dựng.
Tháp được vị hoàng đế thứ ba của nhà Lý (Lý Thánh Tông) xây trong những năm 1057-1066 tại chùa Vạn Phúc núi Tiên Du (nay là chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Trong lòng tháp đặt “pho tượng mình vàng cao 6 thước". Bốn phía có bát bộ kim cương trấn giữ, bảo hộ Phật pháp. Quanh tháp tụ hội các chim thần Ca Lâng Tân Già, cất tiếng hót từ nơi Cực Lạc. Những điêu khắc rồng, hoa dây thể hiện trình độ tạo tác tuyệt hảo của nghệ nhân, biểu đạt tư duy quảng đại, duy mỹ của cả một thời đại.
Rồng chùa Phật Tích ngẩng cao đầu, miệng há to đón một viên ngọc bay vào. Viên ngọc đó trong Phật giáo Ấn Độ là ngọc Như Ý, biểu tượng cho sự thông thái, lòng vị tha, của cải tinh thần có được nhờ thiền định và thực hành Phật pháp. Đặc trưng nổi bật nhất của rồng thời Lý nói chung là có thân tròn, thon, dài, uốn lượn nhiều khúc như hình sóng nước.
Bộ tháp thờ thời Lý, nguồn gốc Bắc Ninh.
Chân tháp khắc nổi dòng chữ Hán "Tháp chủ khai thiên thống vận hoàng đế".
Một số chi tiết bị mất đi của tháp.
Tục thờ Anh Vũ (chim vẹt) là tín ngưỡng độc đáo của người Việt, gắn với các truyền thuyết liên quan đến nhà Hậu Lê và các chúa Trịnh, được ghi lại trong sử sách.
Mộc bản thời nhà Nguyễn thế kỷ 19 trưng bày tại triễn lãm.
Áo cà sa và chiếc âu thời Nguyễn.
Một chiếc tủ đựng kinh kệ.
Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp.
Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Báo Ân thuộc thế kỷ thứ 19.
Trong bối cảnh chiến tranh giữa triều Nguyễn và thực dân Pháp, bức tượng được đưa về Pháp và được trao trả lại vào năm 1889.
Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở.
Theo Phạm Nguyễn (TPO)