Bộ Công an chia sẻ nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua mạng

Bộ Công an chia sẻ nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua mạng
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 5/2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, trả lời về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói người dùng; tạo lập các ứng dụng giả mạo chứa mã độc để tấn công, truy cập trái phép ứng dụng chuyến tiền trên điện thoại; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, nhân viên các nhà mạng, ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng hoặc vô hiệu hóa tài khoản để lừa nạn nhân cung cấp thông tin khôi phục; lừa đảo bán vé máy bay, bán các chuyến du lịch giá rẻ... nhằm chiếm đoạt số tiền đặt cọc trước của người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành tại phiên họp báo.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Ngay trước và trong Tết, nhiều vụ án nghiêm trọng về tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản được lực lượng Công an triệt phá, được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao.
Điển hình như: Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ các cơ quan nhà nước gọi điện thoại hướng dân người dân thực hiện các thủ tục liên quan dịch vụ công trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 13.000 người dân trên cả nước, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng; Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá đường dậy lừa đảo quốc tế thông qua các app đầu tư, app tình yêu với số tiền chiếm đoạt lên đến 1.800 tỷ đồng của khoảng 800 nạn nhân, chỉ trong khoảng 5 tháng.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, trong năm 2025 lực lượng CAND sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của các đổi tượng lừa đảo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; tăng cường ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác để hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo; ban hành các phương án, mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội, trong đó có tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng.
Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, xây dựng cơ chế phối hợp nhanh để truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, trên không gian mạng, chú trọng phối hợp chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tại liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
“Bên cạnh đó, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng, Bộ Công an đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm; thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại...; không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Đề nghị các cơ quan báo chí, phóng viên quan tâm khai thác, lan tỏa thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho nhân dân, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho mỗi người dân Việt Nam” – Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nêu rõ.
Phương Thủy
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bo-cong-an-chia-se-nhieu-bien-phap-phong-ngua-dau-tranh-voi-toi-pham-lua-dao-qua-mang--i758265/