Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an xây dựng. Dự kiến, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).
Theo nội dung tờ trình Dự án Luật sửa đổi, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Việc này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người…
Bộ Công an cho rằng, các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng, dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế.
Ảnh minh họa.
Theo quy định BLHS hiện hành còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.
Đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như: Tội “Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ”…
Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình, tờ trình của Bộ Công an nêu rõ: trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu là những căn bệnh như một bản án tử hình nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình với những đối tượng này.
Tờ trình có nội dung dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 5 tội danh: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”; Tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược”.
Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau: Tội "Gián điệp"; Tội "Tham ô tài sản" và Tội "Nhận hối lộ".
Ngoài ra, dự thảo cũng có nội dung sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình. Theo đó, bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình.
T.Nhung