Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên

Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên
2 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận sáng 23/10. Ảnh: VPQH
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/10, tại Hà Nội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Thông tin về quá trình nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cho biết, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và bám sát tư tưởng, chính sách đã được Quốc hội thông qua ngay từ đầu.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH về dự thảo Luật Tư pháp NCTN. Nhiều đại biểu tham gia góp ý quy định Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN tại Điều 28.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ sự thống nhất với việc quy định cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là Bộ Công an. Theo đại biểu, việc giao Bộ Công an làm đầu mối trong công tác quản lý tư pháp NCTN là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Mặt khác, việc tiếp nhận thụ lý thông tin ban đầu có liên quan đến NTCN, việc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng ngay giai đoạn đầu của quá trình thụ lý cũng do cơ quan Công an thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VPQH
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, quá trình lấy ý kiến các cơ quan hữu quan đối với dự thảo Luật, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đề nghị xem xét, không nên giao cho Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội là cơ quan thường trực cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN vì lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động tư pháp có thể dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Trong khi đó, Bộ Công an nhiều lần có văn bản đề nghị được giao trách nhiệm này.
Theo bà Lê Thị Nga, UBTVQH nhận thấy, việc giao cho Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là có cơ sở pháp lý và thực tiễn, vừa bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong quản lý công tác điều tra, quản lý thi hành án hình sự và trường giáo dưỡng. Đồng thời thống nhất với hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, hiện nay đang do Lãnh đạo Bộ Công an làm Trưởng ban. "Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH và các cơ quan hữu quan, xin phép Quốc hội giao Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Tại Phiên họp, cũng có nhiều ý kiến góp ý về vấn đề tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội quy định tại Điều 140 của dự thảo Luật. Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội để giải quyết, tuy nhiên cho rằng, đây là vấn đề lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau. Các ý kiến đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong Luật và nên giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án. Đồng thời cần linh hoạt, tùy từng trường hợp để đưa ra quyết định cụ thể.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: VPQH
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định: Việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp NCTN sẽ không chỉ là thành tựu nổi bật đối với lĩnh vực cải cách tư pháp của Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội khóa XV.
"UBTVQH sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo UBTVQH xem xét, thảo luận vào thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này" - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định./.
PHÚ THÀNH
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/bo-cong-an-la-co-quan-thuong-truc-giup-viec-cho-hoi-dong-quoc-gia-ve-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-35744.html