Bộ Công an vừa có báo cáo gửi tới Bộ Tư pháp về kết quả thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ, giai đoạn từ 2008 đến 2024.
Cơ quan điều tra truy nã bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo báo cáo, tính đến tháng 10/2024, Công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn việc lập yêu cầu dẫn độ đối với 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài. Qua đó, Bộ Công an đã gửi 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan có thẩm quyền quốc tế, bao gồm 70 yêu cầu theo các hiệp định song phương và 28 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại.
Đến nay đã dẫn độ được 16 đối tượng về Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an. Phía nước ngoài từ chối dẫn độ 18 đối tượng; kết thúc 2 yêu cầu dẫn độ do đối tượng bị yêu cầu dẫn độ đã chết hoặc bị bắt giữ khi quay trở về Việt Nam.
Kết quả công tác dẫn độ đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cũng theo Bộ Công an, tính đến tháng 10/2024, Việt Nam là thành viên của 22 Điều ước quốc tế đa phương, 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 18 hiệp định song phương về dẫn độ.
Bộ Công an đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các Điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, số lượng các yêu cầu dẫn độ trên cơ sở Điều ước quốc tế đã giải quyết thành công chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các yêu cầu dẫn độ đã tiếp nhận và gửi đi.
Việc tăng cường ký kết và áp dụng các Điều ước quốc tế song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật trong nước liên quan đến công tác dẫn độ nhằm phù hợp với các Công ước quốc tế, Điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
Thành Nhân