Sáng 18/11, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) cho biết, Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy.
Theo báo cáo của Bộ, từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh hơn 67 nghìn vụ, bắt giữ hơn 105 nghìn đối tượng, thu giữ gần 1,6 tấn heroin, hơn 1,7 tấn cần sa, hơn 7,6 tấn và 7 triệu viên ma túy tổng hợp.
Những kết quả trên cho thấy việc đấu tranh chặn nguồn cung ma túy đã được cơ quan chức năng làm tốt, kiểm soát được nguồn cung ma túy từ bên ngoài lãnh thổ xâm nhập vào nước ta, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C04
Hiện nay độ tuổi sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa, từ 12 - 30 tuổi (chiếm 44,6%), từ 30 tuổi trở lên chiếm 55,4%, tập trung vào nhóm không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định (chiếm 60%), sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp.
Từ đó cho thấy với số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy như hiện nay, đặc biệt số ngoài cộng đồng còn cao được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy lớn.
Nguồn cầu này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động, gây thiệt hại lớn cho kinh tế (khoảng 1.500 tỷ đồng chi cho mua ma túy).
Cũng theo đại diện Bộ Công an, thời gian gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để dùng ma túy. Ngoài ra, xuất hiện một số vụ cán bộ, công chức nhà nước, văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: C04
Tình trạng sử dụng "bóng cười" và ma túy "núp bóng", tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử... gia tăng phức tạp; nhất là trong thanh, thiếu niên, tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự.
Chia sẻ về công tác giảm nguồn cầu về ma túy, Bộ Công an cho biết công tác rà soát, thống kê và tổ chức các biện pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật được bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy; công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy được triển khai thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở...
Đặc biệt, công tác phối hợp liên ngành tư pháp (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) trong khởi tố, điều tra, xét xử tội phạm về ma túy cơ bản chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, công tác giảm nguồn cầu về ma túy vẫn tồn tại khó khăn khi người sử dụng trái phép ma túy, nghiện ma túy chưa được rà soát, phát hiện đủ để đưa vào quản lý; năng lực tổ chức cai nghiện không đáp ứng nhu cầu thực tế; công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế còn gặp nhiều khó khăn...
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung đấu tranh quyết liệt, bắt giữ tội phạm ma túy theo hướng "mở rộng toàn bộ đường dây", "không chỉ đánh khúc giữa"; phối hợp hiệu quả giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát trong thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ xử lý tội phạm ma túy, để ngăn chặn hiệu quả nguồn cung không để tác động đến nguồn cầu ma túy trong nước...
Đình Hiếu