Các loại sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả được bán và quảng cáo công khai trên thị trường
Ngày 6/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, đã công bố nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến tiến độ điều tra các vụ án lớn về hàng giả, đặc biệt là vụ sữa bột giả gây rúng động dư luận.
Theo đó, trong vụ án sữa giả, đến ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng về các tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đưa và môi giới hối lộ. Đường dây này hoạt động tinh vi, lập 9 công ty “vỏ bọc”, lợi dụng quảng cáo của người nổi tiếng để tung sản phẩm ra thị trường. Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 26.000 hộp sữa, 84 loại sản phẩm sữa bột, nhiều trong số đó được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử khiến việc phát hiện, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.
Cũng trong tháng 4, lực lượng công an tại Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất thuốc giả hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Đến ngày 29/4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 14 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Qua khám xét 6 địa điểm, cơ quan chức năng thu giữ gần 10 tấn thuốc giả gồm 21 loại, chủ yếu là thuốc tân dược và điều trị xương khớp.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Công nghệ Herbitech bị phát hiện sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả như sản phẩm Baby Shark và Medi Kid Calcium K2, vốn được quảng cáo là hàng nhập khẩu, dành cho trẻ em và trẻ sơ sinh. Ngày 28/4, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can gồm Giám đốc Phạm Vũ Khiêm và các cán bộ kế toán công ty. Nhóm này bị cáo buộc lập hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm trốn thuế, che giấu doanh thu thật và đã để ngoài sổ sách hơn 121 tỷ đồng, gây thất thu ngân sách trên 10 tỷ đồng.
Kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, việc phát hiện các vụ việc nói trên là kết quả của các biện pháp nghiệp vụ được triển khai kỹ lưỡng. Những vụ án này phơi bày lỗ hổng trong công tác quản lý, đặc biệt là cơ chế tự công bố sản phẩm đang tồn tại nhiều bất cập.
Trước thực trạng đáng báo động này, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt. Trong vòng chưa đầy một tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hai lần ký công điện chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, buôn bán sữa, thuốc và thực phẩm chức năng giả (Công điện 40/CĐ-TTg ngày 17/4 và Công điện 55/CĐ-TTg ngày 2/5). Các công điện nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc mạnh mẽ, xử lý dứt điểm các đường dây tội phạm liên quan.
Không chỉ dừng lại ở khâu điều tra và xử lý hình sự, các cơ quan chức năng còn được yêu cầu tăng cường hậu kiểm, kiểm tra định kỳ và đột xuất với các cơ sở kinh doanh. Việc kiểm tra không chỉ dựa trên giấy tờ mà còn cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, lấy mẫu, giám định bằng thiết bị chuyên dụng để xác minh chất lượng hàng hóa.
Những vụ việc được công bố cho thấy mức độ tinh vi, quy mô lớn và hậu quả nặng nề của việc sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng. Đây là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng và làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống y tế, kinh tế.
Trong thời gian tới, công tác đấu tranh với các hành vi làm hàng giả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục được Bộ Công an và các ngành chức năng đẩy mạnh. Đồng thời, cần sớm rà soát, hoàn thiện cơ chế giám sát, cấp phép sản phẩm y tế và thực phẩm để bịt kín các lỗ hổng pháp lý, ngăn chặn vi phạm ngay từ gốc.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng cũng rất quan trọng trong việc ngăn chặn hàng giả. Người dân cần trang bị kiến thức để nhận biết sản phẩm thật - giả, chỉ mua hàng tại địa chỉ uy tín, kiểm tra kỹ bao bì, tem chống hàng giả, hạn sử dụng và mã vạch sản phẩm.
Phan Hà