Ra mắt vào tháng 3-2023, sau gần 2 năm hoạt động với đường dây nóng 1900545559, cùng sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại TP.HCM đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (có tên gọi thân thương là Bồ Công Anh) trở thành địa chỉ tin cậy, hỗ trợ toàn diện và khép kín cho nhiều nạn nhân là bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Điểm tựa cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại
Một trong những trường hợp nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ Bồ Công Anh là em G.N (14 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia đình lại khó khăn, N lớn lên trong sự chăm sóc của bà nội và anh trai.
Trong một lần đi chơi, N bị chuốc rượu đến mức mất ý thức, sau đó bị nhiều đối tượng xâm hại. Lúc tỉnh lại, N không nhớ ai đã làm hại mình.
N được bác sĩ và nhân viên công tác xã hội thăm khám.
Trong một lần đau bụng, N đi khám tại địa phương và phát hiện mang thai 27 tuần. Sau đó, N được địa phương chuyển lên Trung tâm Công tác Xã hội và Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TP.HCM (trung tâm) để được hỗ trợ. Tại đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em N mong muốn có một nơi tạm lánh.
Chỉ trong 2 tháng tạm lánh, nhân viên tại trung tâm đã đưa N đến bệnh viện khám mười mấy lần. Do em N còn nhỏ tuổi, bộ máy sinh sản chưa hoàn thiện nên sau khi được chuyển vào trung tâm vài ngày thì xuất hiện triệu chứng đau bụng, nguy cơ sinh non. Trung tâm tiếp tục chuyển N về cấp cứu tại Bệnh viện Hùng Vương, sau đó N được đặt vòng nâng tử cung Milex ASQ.
Nhờ sự phối hợp kịp thời giữa trung tâm và bệnh viện, N đã sinh thường một bé gái nặng 2,5 kg vào tháng 10-2023.
Sau khi sinh, N muốn được đưa con về nhà ở với bà nội, do đó, trung tâm đã đưa N về nhà và tiếp tục phối hợp với địa phương để theo dõi hỗ trợ.
Một trường hợp khác cũng nhận được sự hỗ trợ từ Bồ Công Anh là chị L.A (quê ở Bắc Ninh) - người nhiều lần bị chồng bạo hành đến mức phải bỏ nhà ra đi cùng hai con nhỏ trong khi đang mang thai 8 tháng.
Không có tiền thuê trọ nên chị A buộc phải cùng các con lang thang khắp chốn. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, chị vào Bệnh viện Hùng Vương cấp cứu và được chuyển đến Bồ Công Anh để được hỗ trợ. Tại bệnh viện (đầu vào của mô hình Bồ Công Anh), chị A được hỗ trợ và sinh một bé gái nặng 2,5 kg. Sau khi sinh, vì không có chốn để về nên bày tỏ mong muốn với đơn vị Bồ Công Anh là có một nơi tạm lánh.
Lúc này, bệnh viện đã phối hợp với trung tâm bố trí chỗ ở tạm thời cho ba mẹ con. Tại đây, ba mẹ con chị A được hỗ trợ ăn uống, khám sức khỏe...
Ba mẹ con L.A được trung tâm đưa về nơi tạm lánh.
Tiếp đó, chị A còn được trung tâm tư vấn về phương án đưa cả gia đình vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trú đóng tại Bình Dương). Ở trung tâm này, chị A sẽ được hỗ trợ việc làm còn các con của chị A sẽ được hỗ trợ học tập, tuy nhiên, chị A không đồng ý.
Do đó, trong thời gian tạm lánh, bên cạnh tích cực chăm sóc sức khỏe, trung tâm đặc biệt chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ để ba mẹ con có thể tái hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định lâu dài.
Nỗ lực để nạn nhân có 1 "trang mới cuộc đời"
Quy trình hỗ trợ nạn nhân của mô hình Bồ Công Anh.
Theo BS CKII Phạm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương, lợi thế của mô hình này là nạn nhân chỉ cần đến một địa điểm, kể lại câu chuyện một lần. Họ sẽ được nhân viên công tác xã hội tiếp đón tại một phòng trong bệnh viện, đại diện các ban ngành sẽ có mặt trực tiếp, theo dõi ở phòng kế bên để phối hợp hỗ trợ toàn diện.
"Chỉ nhân viên chỉ định mới có thể tiếp xúc với nạn nhân, điều này nhằm đảm bảo quyền riêng tư và giảm tác động tâm lý. Tuy nhiên, hơn 90% nạn nhân bạo lực giới chọn im lặng do lo ngại dư luận và hậu quả xã hội” - BS Hùng bày tỏ.
BS CKII Phạm Quốc Hùng quan sát qua màn hình khi nhân viên công tác xã hội sẽ tiếp xúc với nạn nhân. Ảnh: HẢI NHI
Theo BS Hùng, khoảng 40% trẻ bị xâm hại mà bệnh viện tiếp nhận có điểm chung là sống trong gia đình thiếu vắng cha mẹ. Trong đó, gần một nửa không còn đi học và thiếu kiến thức bảo vệ bản thân.
“Để góp phần làm giảm thực trạng này, chúng tôi dự kiến liên kết với các trường đại học đào tạo kỹ năng công tác xã hội trong bệnh viện, đồng thời hợp tác với chuyên gia tâm lý trị liệu để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ sâu hơn" - BS Hùng nói.
Với vai trò là một chuyên gia tâm lý, Ths Trần Quang Trọng cho biết có nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại xuất thân từ những gia đình không toàn vẹn như cha mẹ ly hôn, mồ côi hoặc thiếu sự quan tâm, giáo dục từ người thân, vì vậy, để gia giảm nỗi đau tinh thần cho nạn nhân, các chuyên gia tâm lý thường nỗ lực để nâng cao nhận thức và giúp nạn nhân biết cách tự lên tiếng để bảo vệ chính mình.
"Tôi sẽ giúp họ từng bước thay đổi suy nghĩ, nhận ra rằng họ không có lỗi và việc lên tiếng là quyền lợi chính đáng để được bảo vệ. Đối với những trường hợp tổn thương kéo dài và bị dồn nén trong nhiều năm, việc hỗ trợ không dừng lại ở tư vấn đơn thuần mà cần đến tham vấn hoặc trị liệu chuyên sâu" - Ths Trọng nói.
Trao đổi với PLO, ông Lê Văn Thinh, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết sau hai năm vận hành, mô hình một cửa đã hỗ trợ 188 nạn nhân bị bạo lực, trong đó có 160 trường hợp “trẻ em sinh trẻ em”.
Đáng chú ý, có 132 trường hợp dưới 16 tuổi và 52 trường hợp trên 16 tuổi. Đáng lo ngại là tỷ lệ cao ở nhóm độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi và chỉ có 15 trường hợp đồng ý báo công an và 1 trường hợp đi giám định thương tật" - ông Thinh nói.
Cạnh đó, ông Thinh cho biết đơn vị cũng tích cực phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nhân viên. Ngoài ra, đơn vị cũng đề xuất UBND TP.HCM mở rộng chức năng trung tâm tiếp nhận nạn nhân từ cộng đồng, giảm tình trạng chồng chéo trong triển khai.
"Mô hình một cửa đang trong giai đoạn thí điểm với mục tiêu lấy nạn nhân làm trung tâm, đảm bảo quyền tự quyết của họ. Do đó, trong những trường hợp gia đình từ chối tiếp nhận dịch vụ hoặc không tố cáo thủ phạm, nhân viên công tác xã hội chỉ có thể tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ theo nhu cầu của nạn nhân và gia đình. Điều này khiến việc hỗ trợ nạn nhân gặp không ít khó khăn" - ông Thinh nói.
Nạn nhân cùng làm việc với các cơ quan chức năng. Ảnh: BVCC
Ngoài ra, ông Thinh cho biết theo quy trình, trung tâm sẽ sắp xếp hỗ trợ, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân trong 3 tháng. Tại đây, họ được cung cấp nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý và hỗ trợ pháp lý. Cạnh đó, nạn nhân còn được hướng dẫn kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp để tái hòa nhập cộng đồng.
Sau 3 tháng tạm lánh, dựa vào nguyện vọng của nạn nhân, trung tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ nạn nhân có cuộc sống ổn định.
Nói về chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho nạn nhân là trẻ mang thai, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho hay trung bình, mỗi nạn nhân được hỗ trợ với chi phí khoảng 15,2 triệu đồng, từ nguồn ngân sách TP.HCM.
"Trẻ mang thai chỉ được hỗ trợ 64.000 đồng/ngày, như vậy không đầy đủ dinh dưỡng nên sở đã vận động nguồn lực để bổ sung chế độ dinh dưỡng cho nạn nhân tạm lánh mang thai.
Sở cũng đã tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét tăng mức hỗ trợ tiền ăn trong những dịp lễ, Tết và khi nạn nhân ốm đau, phải điều trị tại cơ sở y tế. Đối với trường hợp đặc biệt, sở sẽ xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung đảm bảo quyền lợi và an sinh lâu dài" - ông Thinh nói.
Bày tỏ cảm xúc về những trường hợp được hỗ trợ, bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), nghẹn ngào nói: “Điều khiến nhiều tôi trăn trở nhất lúc này là tương lai của các em sau khi sinh con. Các em sẽ tiếp tục ở lại trung tâm bảo trợ hay trở về gia đình? Có khi lập hồ sơ mà viết đến đâu nổi da gà đến đấy vì quá thương các em!.
Nhiều em mới 10 - 11 tuổi đã bị xâm hại và mang thai, mà đau xót hơn, đa số thủ phạm lại là người thân. Có trường hợp chính cha mẹ giới thiệu bạn trai cho con gái mới 15 tuổi, thậm chí để bạn trai ở chung nhà”.
Thêm 3 bệnh viện triển khai mô hình một cửa
Ngày 17-2, UBND TP.HCM đã ký ba quyết định về việc thành lập mô hình một cửa tiếp nhận và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc mang thai ngoài ý muốn tại các cơ sở y tế.
Theo đó, mô hình một cửa được đặt tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (15 Võ Trần Chí, phường Tân Kiên, huyện Bình Chánh), Bệnh viện Nhi đồng 1 (341 Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10) và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (929 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5).
Kinh phí hoạt động của mô hình một cửa do ngân sách TP.HCM đảm bảo và được tổng hợp trong dự toán hằng năm của Sở Y tế và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Hotline hỗ trợ
Người dân hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện trẻ em bị xâm hại cần được hỗ trợ có thể liên hệ qua các kênh sau:
+ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
+ Đường dây tư vấn 1900 54 55 59 (Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM). Trung tâm bố trí nhân viên trực hỗ trợ 24/24 qua điện thoại. Với các trường hợp cần tư vấn trực tiếp, trung tâm làm việc từ 7 giờ đến 21 giờ tại:
+ Phòng tham vấn Trung tâm: 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM.
+ Đơn vị Bồ Công Anh - Bệnh viện Hùng Vương: 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM.
HẢI NHI