Bỏ công chứng hợp đồng cho, tặng bất động sản có trái quy định pháp luật?

Bỏ công chứng hợp đồng cho, tặng bất động sản có trái quy định pháp luật?
3 giờ trướcBài gốc
Trước thông tin này, nhiều người ủng hộ và cho rằng, đây là bước đi để Hà Nội cải cách hành chính, giảm gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, không ít bạn đọc Báo Xây dựng băn khoăn, liệu việc này có tạo ra kẽ hở pháp lý, trục lợi mua bán, sang nhượng bất động sản, đồng thời trái với các quy định của pháp luật hay không?
Phóng viên Báo Xây dựng đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật Phúc Nguyễn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về nội dung trên.
Bắt buộc phải công chứng hợp đồng
Luật sư Nguyễn Văn Hùng.
Xin luật sư cho biết, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về công chứng, chứng thực hợp đồng cho, tặng bất động sản giữa các cá nhân?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Còn theo Luật Đất đai2024 (khoản 3 điều 27; khoản 1, 3 điều 131) thì tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải làm hợp đồng được công chứng, hoặc chứng thực và phải đăng ký biến động (thường gọi là sang tên).
Điều 164 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định việc tặng cho nhà phải được công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
Theo Điều 3 Luật Công chứng 2024 thì giao dịch tặng cho bất động sản là giao dịch phải công chứng.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng cho, tặng bất động sản giữa các cá nhân bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.
Dư luận lo ngại, việc bỏ công chứng hợp đồng cho, tặng bất động sản sẽ tạo ra kẽ hở pháp lý về bất động sản. Xin luật sư cho biết quan điểm về việc này?
Theo quan điểm của tôi, việc Hà Nội đề xuất thí điểm không công chứng, chứng thực trong giao dịch tặng cho bất động sản có thể mang lại một số thuận lợi về thủ tục hành chính, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp, kẽ hở lách thuế...
Trên góc độ pháp lý, việc bỏ công chứng, chứng thực mà không có giải pháp kiểm soát đi kèm sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khi việc công chứng, chứng thực là chốt chặn quan trọng để đảm bảo giao dịch cho tặng diễn ra minh bạch, đúng pháp luật, hạn chế giả mạo chữ ký và gian lận. Công chứng còn đảm bảo năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia, hạn chế tình trạng ép buộc, lừa dối.
Các thủ tục hành chính về đất đai được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm sau khi chính quyền hai cấp được vận hành.
Nếu các bên tự lập hợp đồng, không có công chứng viên hoặc UBND xã, phường kiểm tra năng lực hành vi dân sự, giấy tờ, thì rất dễ dẫn tới rủi ro tranh chấp. Đến khi phát sinh tranh chấp, thì việc chứng minh rất phức tạp.
Chưa có tiền lệ thì phải cẩn trọng
Như vậy, nếu Hà Nội áp dụng quy định này, đây có phải là tiền lệ ở nước ta hay không? Và việc này có mâu thuẫn, thậm chí trái các quy định khác của pháp luật không, thưa ông?
Việc Hà Nội dự kiến áp dụng quy định bỏ yêu cầu công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở giữa các cá nhân là chưa có tiền lệ rõ ràng ở cấp địa phương. Đây gần như là địa phương đầu tiên đề xuất bỏ công chứng đối với hợp đồng tặng, cho bất động sản giữa cá nhân với cá nhân - một loại giao dịch vốn bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hà Nội thành lập thêm 2 trường THPT công lập năm học 2025–2026
Hà Nội: 45 tuyến buýt hoạt động trên Vành đai 1
Hà Nội công bố các quyết định, nghị quyết về công tác cán bộ HĐND thành phố
Hơn nữa, nếu UBND TP Hà Nội áp dụng quy định này thì sẽ không phù hợp với khoản 2 Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 bởi UBND cấp tỉnh - ở đây là TP Hà Nội không có thẩm quyền ban hành văn bản để sửa đổi quy định trong các văn bản của Luật của Quốc hội ban hành.
Và đề xuất này cũng sẽ trái với các quy định hiện hành của pháp luật về đất đai và nhà ở. Đồng thời, sẽ không thể có hiệu lực được bởi nguyên tắc áp dụng pháp luật là trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn…
Trong tương lai, đặt giả thiết nếu quy định này được áp dụng, thì TP Hà Nội nói riêng và các địa phương cần làm gì để vừa đơn giản hóa thủ tục, nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, nghiêm minh của pháp luật?
Tôi cho rằng, để tiến tới áp dụng quy định này, hạn chế nguy cơ "lách luật", "biến tướng" thì Hà Nội nói riêng và các địa phương khác thì cần đưa ra các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn như ban hành mẫu hợp đồng thống nhất là cần thiết để đảm bảo áp dụng đồng bộ và làm căn cứ pháp lý cho việc đăng ký biến động đất đai.
Mặt khác, các cơ quan như văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và công an cần liên thông dữ liệu để phát hiện các dấu hiệu bất thường, như tặng, cho nhiều lần trong thời gian ngắn hoặc tặng, cho rồi chuyển nhượng ngay sau đó.
Bên cạnh đó, việc hậu kiểm ngẫu nhiên các hồ sơ không qua công chứng cũng cần được thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.
Xin cảm ơn ông!
Kế Toại
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/bo-cong-chung-hop-dong-cho-tang-bat-dong-san-co-trai-quy-dinh-phap-luat-192250715152146559.htm