Ảnh minh họa.
Ngày 15/4/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới...
Chỉ thị 09 được ban hành trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm đặc, biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Điều này khiến căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại. Đặc biệt, gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Do đó, chỉ thị 09 được ban hành nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước cơ cấu lại hoạt động sản xuất, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu và các nước đối tác FTA
Đây cũng là động thái chủ động thích ứng với tình hình mới, với mục tiêu thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Việt Nam và các nước đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng như các cam kết quốc tế khác.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) triển khai quyết liệt, đồng bộ thực hiện 9 nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp Vụ Pháp chế nghiên cứu, tham mưu kịp thời với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để tổ chức triển khai thực hiện việc cấp C/O trong tình hình mới.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đảm bảo công tác chuyển tiếp thực hiện cấp các loại C/O không ưu đãi, REX, CNM được thông suốt, tránh gián đoạn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tham mưu Bộ trưởng xây dựng, ban hành chính sách tăng cường quản lý giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu nước nhập khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu cũng là đầu mối phối hợp với Cục Hải quan (Bộ Tài chính): tăng cường công tác đánh giá, giám sát, kiểm tra xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu sử dụng cho sản xuất, xuất khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định pháp luật về hải quan; Tổ chức mạng lưới thông tin, cơ sở hệ thống dữ liệu để tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường công tác cấp và kiểm tra C/O, đặc biệt xác định tiêu chí xuất xứ theo quy tắc cụ thể mặt hàng từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong trường hợp cần thiết, Cục đề xuất các biện pháp cụ thể ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi ích của hàng hóa xuất khẩu của chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi ích của hàng hóa xuất khẩu của Việt
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "văn minh, hiện đại", phục vụ tốt, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.
Thứ hai, Vụ Pháp chế Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để tổ chức triển khai thực hiện việc cấp C/O phù hợp trong tình hình mới.
Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan để đề xuất xây dựng cơ chế thực hiện cấp C/O phù hợp trong tình hình mới.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) trong công tác giám sát, kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu nhằm kịp thời đề xuất biện pháp xử lý trong tình hình mới.
Thứ ba, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của eCoSys để sớm triển khai công tác thực hiện cấp các loại C/O không ưu đãi, đảm bảo hiệu quả việc cấp C/O ưu đãi.
Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu, xây dựng bổ sung tính năng xử lý dữ liệu thông tin trên eCoSys nhằm phục vụ công tác rà soát, đánh giá, kiểm tra hoạt động đề nghị cấp C/O và xác minh trong trường hợp cần thiết.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa dữ liệu thống kê thông tin liên quan của doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.
Thứ tư, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu về cơ chế và quy định về xuất xứ hàng hóa của các nước sở tại, cung cấp cho Cục Xuất nhập khẩu để hoàn thiện các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa, cấp C/O, ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa.
Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại cung cấp kịp thời thông tin động thái chính sách của các nước trong công tác quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa thông qua các công cụ quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa, biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ năm, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa, đặc biệt nguyên liệu nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất hàng xuất khẩu, trong trường hợp cần thiết chuyển cơ quan chức năng xử lý đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên cả nước thường xuyên theo dõi, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước với mục đích sản xuất để xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu đề xuất các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Thứ sáu, Cục Phòng vệ Thương mại tập trung triển khai nhóm nhiệm vụ trong Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước vê chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".
Thứ bảy, Vụ Chính sách thương mại đa biên theo dõi, trao đổi với các đối tác FTA để xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong quá trình thực thi các FTA; phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo và đề xuất phương án xử lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ tám, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu theo chức năng, nhiệm vụ được phân công liên quan đến công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Thứ chín, các cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện đầy đủ trách nhiệm về việc cấp, kiểm tra, xác minh C/O theo quy định.
Đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận xuất xứ thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O đặc biệt đối với các doanh nghiệp có lượng hồ sơ đề nghị cấp C/O tăng đột biến.
Chủ động rà soát, theo dõi công tác thực hiện cấp C/O; kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý khi phát hiện các vấn đề vi phạm liên quan đến quy trình thực hiện cấp C/O và gian lận xuất xứ.
Tăng cường tổ chức triển khai công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất (trước và sau khi cấp C/O).
Chỉ thị 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới có hiệu lực từ 15/4/2025.
Nguyệt Hà