Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Ảnh: Thy Thảo
Năm 2024 có thể đánh giá là năm đột phá của ngành Công Thương trong công tác xây dựng thể chế, cũng là năm mang đậm dấu ấn quyết liệt của Ngành trong việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng bệ đỡ chính sách, khai thác tối đa cơ hội từ các FTA… để nâng cao năng lực, mở rộng thị trường. Có thể nói: Dự báo, nhận diện và khai thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chính là điều mà ngành Công Thương đã làm được trong năm 2024.
Tháo gỡ nút thắt thể chế - xây dựng nền công nghiệp tự chủ
Gốc của xuất khẩu là sản xuất công nghiệp. Trình độ sản xuất công nghiệp quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây là điều Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các cộng sự tâm huyết, dành nhiều thời gian cho hoạch định xây dựng một nền công nghiệp tự chủ, bồi đắp nguồn lực trong nước để có thể phát triển trong bối cảnh mà ông nhận định rằng: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với những cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn”.
Tháng 7/2021, giữa nước sôi, lửa bỏng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, tại cuộc họp trực tuyến về quản lý, phát triển cụm công nghiệp giữa Bộ Công Thương với 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra yêu cầu: “Phải tạo ra các ngành công nghiệp nền tảng để từng bước tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu, chế biến chế tạo…”.
Đây là những vấn đề đòi hỏi nguồn lực và thời gian, nhưng tâm thế và tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương đã truyền cảm hứng đến cách nghĩ, nếp làm, mở lối cho sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; chuyển từ các ngành thâm dụng lao động, thâm dụng vốn sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Kết quả năm 2024, công nghiệp tăng trưởng ngoạn mục hơn 8%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Để có được kết quả này, khâu đột phá vẫn là câu chuyện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ năm 2021 tới nay và đặc biệt là năm 2024, Bộ Công Thương đã dành nhiều thời gian để hoàn thiện thể chế, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi). Đặc biệt, xây dựng Luật Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm nhằm tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh cho sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn.
Đồng thời, xây dựng hàng loạt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp ô tô, thép, giấy, sữa, điện lực, sản xuất hydrogen, dịch vụ logistics, thị trường bán lẻ; và các chương trình: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển công nghiệp hóa dược; Phát triển bền vững Dệt May, Da Giày…
Đặc biệt trong xây dựng thể chế, vấn đề “đề xuất với cấp có thẩm quyền các cơ chế thực hiện thí điểm để khơi thông nguồn lực” luôn được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra trong các cuộc giao ban, hội nghị, diễn đàn. Tại cuộc họp ngày 02/3/2023 về cấp và nhập khẩu than cho sản xuất điện và đạm, khi các doanh nghiệp báo cáo khó khăn về nhập khẩu than, Bộ trưởng đã giao cho Vụ Thị trường châu Á - châu Phi “tổ chức khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam tối ưu”. Gần 1 năm sau, ngày 05/01/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Nghị quyết số 04/NQ-CP đồng ý về việc đoạn băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới Việt Nam - Lào.
Tinh thần “đề xuất với cấp có thẩm quyền các cơ chế thực hiện thí điểm” cũng thể hiện rất rõ trong Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày; nhất là trong 4 quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2023.
Gốc của xuất khẩu là sản xuất công nghiệp. Trình độ sản xuất công nghiệp quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây là điều Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các cộng sự tâm huyết, dành nhiều thời gian cho công tác hoạch định xây dựng một nền công nghiệp tự chủ..
Chọn năng lượng làm điểm đột phá để kích hoạt nền kinh tế
Cũng trên tinh thần xây dựng nền kinh tế tự chủ, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu đẩy mạnh phát triển hạ tầng của ngành, đặc biệt với hạ tầng năng lượng - 1 trong 3 đột phá chiến lược của Ngành.
Năm 2023, 4 quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ tham mưu xây dựng, gồm: Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch năng lượng quốc gia; Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã góp phần hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng, liên kết vùng, giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tiến độ thực tế tại công trường thi công khoảng néo 337 - 338 Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu
Tiếp đến, Luật Điện lực 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024, đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện, phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Đặc biệt năm 2024, qua nắm bắt thực tiễn, Bộ Công Thương đã kiên trì, chủ động tham mưu, đề xuất đưa việc phát triển điện hạt nhân vào Luật Điện lực, trình Chính phủ lộ trình phát triển cụ thể và các cơ chế pháp lý đặc thù để tránh nguy cơ thiếu điện, làm cơ sở để Trung ương, Quốc hội ra quyết sách kịp thời. Trên cơ sở đó, sau 8 năm, ngày 25/11/2024 thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trên cơ sở Luật Điện lực 2024, Bộ Công Thương cũng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, xây dựng và triển khai Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, công bố ngày 12/12/2024. Trước đó, trên cơ sở làm việc, thống nhất với các bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Công Thương đã báo cáo và Chính phủ đã thảo luận, thông qua với tỷ lệ 100%, thể hiện sự thống nhất rất cao với chủ trương, quan điểm, mục tiêu, giải pháp tháo gỡ. Việc tháo gỡ này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn điện những năm tới; khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc.
Đánh giá về cơ hội của chính sách mới đây trong lĩnh vực năng lượng, các chuyên gia cho rằng, Luật Điện lực 2024 và các quy hoạch, quyết sách mới đây về năng lượng sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp cơ khí để cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện trong Quy hoạch VIII sẽ đem tới cơ hội 60 tỷ USD. Và nếu chỉ dừng ở mức tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy điện là 40% thì thị trường dành cho các doanh nghiệp cơ khí cũng lên tới 24 tỷ USD.
Từ “thích ứng” tới “quản trị” biến động
Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc lịch sử 800 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng hơn 23 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Đây là những kết quả đạt được trong 1 năm mà thị trường thế giới vẫn đối mặt với những thách thức dai dẳng hậu đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị leo thang. 2024 cũng là năm “siêu bầu cử” với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng, gồm bầu Tổng thống Mỹ, Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Anh, tổng tuyển cử tại Ấn Độ… với loạt thay đổi chính trị, đặt ra thách thức mới cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Với cái nhìn nhạy bén của một bộ kinh tế đa ngành, liên quan nhiều đến hợp tác quốc tế, cách thức phản ứng chính sách của lãnh đạo Bộ Công Thương mang đậm dấu ấn quyết liệt, chuyển hướng kịp thời. Nói một cách hình ảnh, Bộ Công Thương luôn chủ động cùng đối tác mở ra những không gian hợp tác mới, phù hợp với các tình huống biến động của thế giới.
Gốc của xuất khẩu là sản xuất công nghiệp. Trình độ sản xuất công nghiệp quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây là điều Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các cộng sự tâm huyết, dành nhiều thời gian cho công tác hoạch định xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.
Trong vô vàn các dữ liệu, sự kiện, từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, tới những thay đổi chính sách thương mại của các nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ Công Thương hiểu rằng, chạy theo các dữ liệu, sự kiện sẽ bị “cuốn trôi”, nên trong ngàn vạn con sóng xô bồ của các tình huống, lãnh đạo Bộ chọn chỗ đứng lùi xa hơn, bao quát toàn cảnh và tìm ra được điểm gút - điểm có khả năng kích hoạt toàn bộ hệ thống.
Cái điểm gút ấy là sử dụng những công cụ hiện có trong tình hình mới. Cũng vẫn là hệ thống 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ ở nước ngoài, nhưng trong tình hình mới, thương vụ không chỉ gửi thông tin, báo cáo định kỳ (mang tính một chiều) về nước, mà theo quyết định của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tổ chức giao ban xúc tiến thương mại (trao đổi, mang tính hai chiều) hàng tháng giữa thương vụ với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin về thị trường mới và các khuyến nghị kịp thời cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 26/6/2023
Cũng vẫn là khai thác cơ hội từ các thị trường FTA, nhưng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thông tin cho doanh nghiệp một cách chuyên sâu đối với từng ngành hàng, lĩnh vực, thị trường cụ thể. Tinh thần đó đã khích lệ các địa phương, doanh nghiệp và chuyển thành tâm thế làm việc chủ đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ. Các đơn vị chức năng đã cung cấp, cập nhật thường xuyên cho doanh nghiệp các thông tin tình hình thị trường, những biến động và thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các nước sở tại, cũng như khuyến nghị những biện pháp vượt qua hàng rào kỹ thuật, vượt qua các công cụ bảo hộ mậu dịch mới…
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, Việt Nam nằm trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2 con số, tăng 14,4%; xuất khẩu sang thị trường FTA thế hệ mới hết sức ấn tượng, có những thị trường tăng trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thường nói rằng, thước đo về hội nhập không phải là ký kết, thực hiện bao nhiêu FTA, mà vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tới đâu, khai thác cơ hội từ các FTA đến mức nào?
Đón trước mô hình phát triển mới
Với tư duy đón trước những mô hình phát triển mới, trong các cuộc làm việc với đối tác quốc tế, lãnh đạo Bộ Công Thương đều mời các đối tác thông qua hợp tác đầu tư hoặc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp, hỗ trợ xây dựng mô hình nhà máy thông minh, xây dựng chiến lược kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số.
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với hàng loạt dự án FDI triệu đô đến đầu tư và các doanh nghiệp nội cũng dần làm chủ được 100% các khâu để sản xuất ra những sản phẩm chip “Make in Vietnam” có chất lượng.
Công Thương là một trong những Bộ đi đầu về lĩnh vực này từ rất sớm. Năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ ông Jose Fernandez, hai bên sớm thành lập Nhóm công tác trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam muốn xây dựng hệ sinh thái đầy đủ khi thế giới đang bước vào “cuộc đua bán dẫn toàn cầu”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hai Cơ quan cần sớm thành lập Nhóm công tác trong lĩnh vực bán dẫn, tập trung trao đổi sâu vào 3 nội dung: (i) Tư vấn chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý; (ii) Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; và (iii) Tổ chức kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước. Đây cũng là những bài toán quan trọng mà Việt Nam sẽ cần sớm có lời giải nếu muốn nắm bắt cơ hội trên đường trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới.
Công Thương cũng là Bộ tích cực trong kết nối doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota triển khai các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Mối liên kết này giúp doanh nghiệp trong nước học những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và công nghệ - hai yếu tố chính luôn biến động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể nói, những quyết sách kịp thời của ngành Công Thương nhằm đón bắt những mô hình phát triển mới, đẩy mạnh kết nối song phương, đa phương đã góp phần định vị vững chắc Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; làm tiền đề cho năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với nhiệm vụ phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu. Đây có thể coi là “cú nước rút” ngoạn mục khi chúng ta mất đến gần 3 năm đầu kế hoạch gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu.
Ngọc Thu