Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi gặp mặt. Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng lãnh đạo các cục, vụ, cơ quan trực thuộc bộ.
Về phía các cơ quan báo chí có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Báo chí luôn đồng hành cùng ngành Công Thương
Thông tin tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã điểm qua những kết quả mà ngành đã đạt được trong suốt một năm qua, đồng thời thông tin về định hướng của ngành trong năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông nhân dịp năm mới 2025 diễn ra chiều 3/1, tại trụ sở Bộ Công Thương
Bộ trưởng cho biết, năm 2024, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bộ trưởng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật đạt được có sự đồng hành, hỗ trợ quan trọng của các cơ quan báo chí, truyền thông, kịp thời thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trước đó, trong video clip ngắn tổng hợp một số kết quả công tác nổi bật của ngành Công Thương đã nêu rõ: Bộ Công Thương đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân vật các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Phòng vệ thương mại cũng đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc (gần 9%), ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.
Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, Bộ Công Thương đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong…
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của ngành; là năm toàn ngành Công Thương quyết tâm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông nhân dịp năm mới 2025 diễn ra chiều 3/1, tại trụ sở Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông nhân dịp năm mới 2025 diễn ra chiều 3/1, tại trụ sở Bộ Công Thương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh sự nỗ lực hết mình từ Bộ Công Thương thì rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, Trung ương, địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông.
“Ngành Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan báo chí trong thời gian tới để ngành Công Thương có thể vươn lên, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Nhân dịp sắp bước sang năm mới, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời chúc đến các anh chị em và gia đình các cơ quan báo chí, truyền thông một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang và hạnh phúc.
Đồng chí Lê Quốc Minh: Ngành Công Thương là ‘'niềm cảm hứng’' của báo chí
Đại diện cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – cho biết, trong năm qua, qua công tác thông tin báo chí, chúng tôi đã nắm bắt rất nhiều các thông tin hoạt động của ngành Công Thương.
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông nhân dịp năm mới 2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương diễn ra chiều 3/1, tại trụ sở Bộ Công Thương.
Chia sẻ về những khó khăn của đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng, theo ông Lê Quốc Minh, mặc dù vậy nhưng ngành Công Thương cũng đạt được những kết quả ngoạn mục. Kết quả có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc này cũng đã được Thủ tướng đánh giá trực tiếp trong rất nhiều lần và đặc biệt là trong Nghị quyết vừa qua.
“Các dự án rất ‘thần tốc’ của Bộ Công Thương trong thời gian qua không chỉ đóng vai trò giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng mà còn là ‘niềm cảm hứng’ cho nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, trong đó có cả lĩnh vực báo chí truyền thông. Những tuyến bài, những hình ảnh về những dự án của Bộ Công Thương cũng đã được nêu bật trong các giải báo chí”, ông Lê Quốc Minh nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông nhân dịp năm mới 2025 diễn ra chiều 3/1, tại trụ sở Bộ Công Thương
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, bước sang năm 2025, tình hình kinh tế-xã hội được nhận định sẽ còn tiếp tục nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng tôi không tin tưởng ngành Công Thương tiếp tục đà tăng trưởng tốt như thời gian vừa qua, hoàn thành nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII này và bước vào nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIIII khởi sắc.
Năm 2025 cũng là năm chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam với rất nhiều hoạt động đánh dấu một thế kỷ mà chưa có ngành nào đạt được. Trong những nỗ lực chung của báo chí để hướng đến dấu mốc quan trọng này, những thông tin của ngành Công Thương cũng sẽ chiếm một phần rất quan trọng trên mỗi trang báo, trên mỗi phương tiện phát thanh truyền hình.
Ông Lê Quốc Minh cũng kỳ vọng vào sự phối hợp của Bộ Công Thương, của các đơn vị trong bộ sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, cung cấp thông tin kịp thời, cởi mở hơn nữa. Báo chí sẽ luôn đồng hành với Chính phủ, với lĩnh vực các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương.
10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024
I. 2024 là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
II. Kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, cơ chế giải quyết vướng mắc; ngành dầu khí hướng tới vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu 2024; phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng dấu ấn nhiều công trình năng lượng trọng điểm.
III. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.
IV. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
V. Đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA), mở cánh cửa lớn triển vọng ký kết loạt FTA mới.
VI. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
VII. Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.
VIII. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và bền vững; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.
IX. Phòng vệ thương mại tích cực, chủ động, vững chắc, xử lý thành công hầu hết vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
X. Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
Nguyễn Hạnh