TTXVN đưa tin, Bộ Công Thương cho biết, thương mại thế giới đang nổi lên ba xu hướng gồm “phi toàn cầu hóa” hay phân mảnh trong thương mại quốc tế, khiến cho các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại. Bên cạnh đó là xu hướng bảo hộ thị trường thông qua biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay phòng vệ thương mại; động thái chính sách khó đoán định, khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, thậm chí đứt gãy.
Đáng chú ý, đầu tháng 2-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt điều khoản về tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật thẩm quyền kinh tế khẩn cấp (IEEPA) với lý do để đối phó với tình trạng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện vận chuyển trái phép vào Mỹ. Việc này làm căn cứ pháp lý cho việc áp thuế quan bổ sung 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico; 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin về biến động và xu hướng của thị trường xuất - nhập khẩu lớn để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thích ứng phù hợp. Ảnh: Bộ Công Thương
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Điều này nhằm kịp thời tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp. Ngoài ra, bộ cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Cụ thể, ngành công thương luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm. Cùng với đó là lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng/hàm lượng công nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam là mục tiêu.
Trong thời gian tới, ngành công thương dự kiến tập trung các giải pháp nhằm hạn chế những rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu như tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước (Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại...) để khai thác thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển thị trường nhỏ, thị trường ngách.
Đơn vị tiếp tục chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tới doanh nghiệp, đề xuất đàm phán các FTA mới với thị trường có nhiều tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thiết lập, tăng cường sự hiện diện của đại diện thương mại Việt Nam tại các thị trường tiềm năng nhằm phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của Việt Nam, thương nhân Việt Nam trong hoạt động ngoại thương.
Bộ Công Thương cũng sẽ cung cấp thông tin về biến động và xu hướng của thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo đánh giá về thách thức, cơ hội để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thích ứng phù hợp. Doanh nghiệp cũng cần tiếp tục tranh thủ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế cũng như lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nước công nghiệp phát triển, trong các ngành công nghệ cao và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ quan trọng.
Riêng với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại của hai bên mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba.
Theo Bộ Công Thương, các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương (nếu có) sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), là cơ chế đang được duy trì thường xuyên, hiệu lực ở các cấp.
Trúc Đào