Bộ Công Thương lên tiếng về băn khoăn làm điện hạt nhân giờ có muộn?

Bộ Công Thương lên tiếng về băn khoăn làm điện hạt nhân giờ có muộn?
7 giờ trướcBài gốc
Chiều ngày 23-10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết phát triển điện hạt nhân được nghiên cứu trên cơ sở đảm bảo phát triển kinh tế- xã hôi, nguồn tài chính.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhưng do nhiều yếu tố nguồn nhân lực, tài chính nên khó khăn và tạm dừng dự án.
Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, ông Hùng thông tin: Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới.
Đây là điều cần thiết đảm bảo an ninh năng lượng, trung hòa carbon, thực hiện theo cam kết tại Hội nghị Cop 26.
"Phát triển điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu kỹ, nếu được thông qua về chủ trương sẽ đề xuất vào Quy hoạch Điện 8" - ông Hùng cho biết.
Bổ sung thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đặt vấn đề mà nhiều người băn khoăn rằng hiện nay phát triển điện hạt nhân có muộn hay không.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết chủ trương phát triển điện hạt nhân đã có rồi nhưng sau đó phải tạm dừng.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại câu chuyện này, dựa trên nghiên cứu thực tế, nhu cầu thực tiễn để xem có nên triển khai hay không?
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện nay, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và thấy rằng trước sức ép về chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, một số quốc gia đã nghiên cứu và tăng gấp 2-3 lần nguồn điện hạt nhân. Kinh nghiệm Nhật Bản, Pháp, ước tính tỉ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25% trong cơ cấu nguồn điện.
Về công nghệ, quan điểm của Bộ Công Thương nếu phát triển điện hạt nhân là phải sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn. Phát triển điện hạt nhân phải đưa rủi ro về 0.
Về thời điểm, Bộ Công Thương cho biết sẽ xin chủ trương của Chính phủ, Quốc hội, sau đó điều chỉnh Quy hoạch Điện mới đủ cơ sở triển khai, nghiên cứu nhu cầu và tiến hành đầu tư.
Bao lâu người dân bán được điện mặt trời mái nhà dư cho EVN
Tại họp báo cũng đã thông tin về Nghị định số 135 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có hiệu lực ngày 22-10.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dẫn lại theo Điều 25 của Nghị định 135 quy định, tổ chức, cá nhân thực hiện bán điện cho đơn vị bán điện trước ngày 1-12- 2021 không được đăng ký.
Theo đó, để bán điện được cho EVN, Nghị định quy định rất rõ các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu trong quy hoạch điện quốc gia thuộc đối tượng cho phép gửi hồ sơ tới cơ quan chức năng ghi nhận sản lượng điện dư và đăng ký lên cơ quan có thẩm quyền.
Trong Nghị định ở chương III có quy định rõ về số ngày mà cơ quan chức năng, liên quan phải giải quyết hồ sơ.
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Thùy Linh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/bo-cong-thuong-len-tieng-ve-ban-khoan-lam-dien-hat-nhan-gio-co-muon-196241023173740397.htm