Bộ Công Thương vừa báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình về việc giải quyết vướng mắc hưởng giá ưu đãi (FIT) theo Nghị quyết 233 (theo phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2024) về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Công Thương, hiện có 173 dự án điện mặt trời, điện gió vướng mắc về việc chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm được công nhận ngày vận hành thương mại (COD).
Thời gian qua, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc trực tiếp với chủ đầu tư của 159 dự án có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày COD. Để gỡ vướng các dự án, từ tháng 1 năm nay, có 25 dự án điện trời đang thanh toán theo giá FIT1 sẽ tạm thanh toán theo giá FIT2.
Hiện có 92 dự án điện mặt trời thanh toán theo giá FIT sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp; 14 dự án đang thanh toán theo giá FIT sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp. Các nhà máy điện còn lại có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trong thời hạn giá FIT đang thanh toán theo giá FIT quy định trong hợp đồng mua bán điện.
Đối với các nhà máy điện chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, EVN thực hiện thanh toán thanh toán chi phí vận hành và bảo trì (O&M) theo ý kiến của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đánh giá nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện khi nhà đầu tư phản đối thu hồi giá FIT.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, sau khi họp và thông báo giải pháp này, đa phần các nhà đầu tư phản đối và cho rằng, thời điểm các dự án được công nhận COD, các quy định hiện hành không yêu cầu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện để được COD.
"Việc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu là vi phạm pháp luật về xây dựng và các chủ đầu tư đã khắc phục và chịu phạt vi phạm hành chính. Một số chủ đầu tư đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Sở Công Thương nghiệm thu công trình trước ngày COD tuy nhiên vì các lý do khách quan như đại dịch COVID-19... Các đơn vị này không thể đi kiểm tra, dẫn đến văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu được ban hành sau ngày COD…", Bộ Công Thương nêu ý kiến các nhà đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, qua trao đổi, hiện có 65 dự án có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vốn, trong đó 27 trường hợp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Qua làm việc với Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (Euro Cham, Thai Cham), Bộ Công Thương đánh giá khả năng có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Dù EVN đã có nhiều văn bản báo cáo bộ, song Bộ Công Thương cho rằng các báo cáo chưa đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết 233, theo hướng lựa chọn phương án xử lý tối ưu. Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương báo cáo giải quyết vấn đề hưởng giá FIT các dự án điện gió, điện mặt trời theo đúng yêu cầu của nghị quyết.
Bộ Công Thương kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo EVN khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, sớm hoàn thành, báo cáo kết quả theo quy định về nội dung hưởng giá FIT các dự án điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.
Đối với các dự án có liên quan đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu trong thời điểm xảy ra dịch bệnh dịch COVID-19, yêu cầu EVN rà soát lại hồ sơ, tài liệu, có bằng chứng hợp pháp, đúng quy định, báo cáo Bộ Công Thương phương án đề xuất, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Dương Hưng