Bộ Công Thương nêu 6 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Công Thương nêu 6 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
3 giờ trướcBài gốc
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư công và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tổ chức ngày 3/10 tại trụ sở Bộ Công Thương theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Bộ Công Thương có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Công nghiệp, Vụ Tổ chức – cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Văn phòng Bộ, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương và đại diện một số trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường các địa phương…
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành, đưa các công trình, trang thiết bị máy móc vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ và các đơn vị trực thuộc; đồng thời, góp phần thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước, kích cầu tiêu dùng và tránh tình trạng lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã có chủ trương và quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo và giao chủ đầu tư lập các Ban Quản lý dự án… để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, bài bản, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, Bộ đã thành lập, kiện toàn 5 Ban Chỉ đạo và 1 Ban Quản lý dự án đầu tư công của Bộ theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, đối với các dự án của lực lượng Quản lý thị trường còn có sự chỉ đạo chung của Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường. Bộ trưởng yêu cầu các Ban Chỉ đạo, chủ đầu tư tập trung đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đang triển khai; trong đó, cần đánh giá, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được; các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh các giải pháp để triển khai các dự án đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ
Tại cuộc họp, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo tình hình triển khai các dự án đầu tư công của Bộ đang triển khai. Theo đó, trong thời gian qua các Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án đã tổ chức họp để đánh giá tiến độ thực hiện đầu tư các dự án và giải quyết những vấn đề phát sinh vướng mắc theo thẩm quyền. Ngoài các cuộc họp, chủ đầu tư thường xuyên báo cáo trực tiếp với đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo về những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư để được chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Đến nay, một số dự án đã hoàn thành đều bảo đảm yêu cầu về chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Đại diện các Ban Chỉ đạo, Chủ đầu tư dự án đầu tư công của Bộ đã báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thực hiện, giải ngân và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá trong thời gian qua, các Ban Chỉ đạo, chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và quản lý giám sát của từng dự án, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế.
Để triển khai các dự án đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng và hiệu quả công trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu:
Thứ nhất, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ đầu tư của các dự án cần khẩn trương chỉ đạo và tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể, thực chất, khách quan, chính xác tình hình triển khai, thực hiện các dự án đầu tư của đơn vị mình cho đến thời điểm này, nhất là các dự án đang bị chậm tiến độ để có biện pháp xử lý kịp thời hoặc đề xuất Lãnh đạo Bộ chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân của dự án; đồng thời, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Chủ đầu tư nhằm kịp thời xác định các vi phạm, thiếu sót (nếu có) để khẩn trương, kiên quyết xử lý, khắc phục triệt để.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo, Chủ đầu tư cần khẩn trương chỉ đạo kiện toàn Ban Quản lý dự án bảo đảm có đủ nhân sự, có chức năng nghiệp vụ, kinh nghiệm, công tâm, trách nhiệm… tham gia Ban Quản lý và cần được phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng thành viên; định kỳ hàng tháng kiểm điểm đánh giá, điều chỉnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần kiện toàn bộ phận giám sát công trình, có nghiệp vụ, có điều kiện thường xuyên theo dõi và công tâm.
Thứ ba, yêu cầu Ban Quản lý, nhà thầu lên tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm chi tiết tới từng tháng cho đến kết thúc công trình, để giám sát chặt chẽ. Ban Chỉ đạo, chủ đầu tư phải áp dụng các chế tài xử lý thật nghiêm nếu các nhà thầu, các đơn vị tư vấn vi phạm các quy định về tiến độ, vi phạm về sử dụng nguyên vật liệu không đúng với thiết kế.
Thứ tư, Ban Quản lý, nhà thầu cần lưu ý trong quá trình đầu tư, mua sắm vật tư, trang thiết bị, máy móc cần thực hiện đúng yêu cầu của dự án và đúng thiết kế kỹ thuật đã được duyệt, chỉ điều chỉnh khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật.
Quá trình đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc cần phải được coi trọng chất lượng vì đây là những tài sản sử dụng chung”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Thứ năm, đối với các dự án đã hoàn thành (cả khối lượng công việc, vốn được giao), Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục, nghiệm thu để có cơ sở quyết toán hoàn thành dự án theo đúng quy định của Nhà nước.
Thứ sáu, sau đầu tư xây lắp, mua sắm, cần xây dựng đề án, kế hoạch sử dụng cho hiệu quả (không để tình trạng đầu tư, mua sắm rồi nhưng không sử dụng). Các nhân sự tiếp quản, sử dụng công trình được xây lắp, trang thiết bị, máy móc mua sắm cần được tiếp cận từ quá trình đầu tư để bảo đảm việc vận hành, khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao.
Quang Lộc
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-neu-6-giai-phap-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-350338.html