Bộ Công Thương nêu biện pháp giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Bộ Công Thương nêu biện pháp giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
một ngày trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nói về việc ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Chiều 6/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã thông tin về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, mức thuế 46% mà Hoa Kỳ công bố sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường quốc gia này từ ngày 9/4 có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới; tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày…; phần sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Hoa Kỳ và có giải pháp hài hòa cho Việt Nam.
Trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó Tổ công tác, thành viên là lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Giải pháp thứ nhất là tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung đông, Mỹ Latin, Trung Á và các thị trường mới nổi khác;
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, chủ động cập nhật thông tin thị trường: Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Thứ hai, trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do đã có, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm: Đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ tư, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu: Chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Thứ năm, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thường xuyên thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
An Nhiên
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/bo-cong-thuong-neu-bien-phap-giam-thieu-rui-ro-tu-chinh-sach-thue-doi-ung-cua-hoa-ky-post608194.antd