Bộ Công Thương nói về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 2 tháng

Bộ Công Thương nói về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 2 tháng
21 giờ trướcBài gốc
Tại dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất. Tức là, mỗi năm có thể sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 như hiện nay.
Lý giải về đề xuất này, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng. Hiện dự thảo nghị định vẫn đang lấy ý kiến góp ý các đơn vị, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động. Sau khi tổng hợp tất cả ý kiến, Cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để tham mưu ra một cơ chế phù hợp nhất trong thời gian sắp tới.
Ảnh minh họa.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đề xuất thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là câu chuyện mang tính thị trường, do đó sẽ còn nhiều nội dung cần nghiên cứu thêm.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Cục Điều tiết Điện lực có nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của việc nếu điều chỉnh giá bán lẻ 2 tháng một lần thì sao, 3 tháng một lần thì sao để so sánh, tìm ra hướng hợp lý nhất.
Lý giải trước đó, Bộ Công Thương cho rằng, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận nhằm bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
Đồng thời, quy định mới phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục" trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Mặt khác, hiện các thông số đầu vào cho sản xuất điện (dầu, khí, than...) biến động khá lớn trong thời gian ngắn, theo Bộ Công Thương, các thay đổi này cần được phản ánh kịp thời để hạn chế tác động đến mức điều chỉnh giá bán.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc dự kiến hai tháng điều chỉnh giá điện một lần có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó trong dự trù và cân đối chi phí. Bởi thông thường, điện chiếm 4-10% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực.
Đại diện một doanh nghiệp đề nghị nên có cách điều hành về giá điện mang tính ổn định hơn là thay đổi liên tục như vậy. Vì các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành tiêu thụ lượng điện năng lớn luôn chú trọng tính toán chi phí sản xuất ngay từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác. Giá điện là một trong những khoản chi lớn của ngành cơ khí, công nghệ..., việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tính toán, dự trù.
Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, về mặt nguyên lý thì việc rút ngắn thời gian điều chỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Như giúp giá điện phản ánh thực tế hơn với chi phí sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như than, khí đốt thường xuyên biến động; Giảm áp lực cho doanh nghiệp cung cấp điện, nghĩa là có thể điều chỉnh kịp thời; giảm rủi ro về tài chính; Khuyến khích tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế như tác động đến đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp.
Thứ 2 là thách thức trong quy trình quản lý và giám sát quy trình điều chỉnh, 2 tháng/ lần yêu cầu hệ thống giám sát phải minh bạch, chính xác, tránh lạm dụng chính sách hoặc thiếu minh bạch trong tính giá bình quân.
Thứ 3 là sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ví dụ tần suất thay đổi giá như vậy thì làm cho chi phí vận hành sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là ngành tiêu thụ nhiều điện năng sẽ rất khó khăn".
H.A
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/bo-cong-thuong-noi-ve-de-xuat-rut-ngan-thoi-gian-dieu-chinh-gia-dien-xuong-con-2-thang-96044.html