Tại Diễn đàn Bộ Công Thương "Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" ngày 23.12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, là một bộ kinh tế đa ngành, ngành công thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước. Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, bộ chỉ đạo các đơn vị trong bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
Năm 2024, bộ cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất các giải pháp thiết thực đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của ngành công thương trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Qua đó, vừa góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Đồng thời giúp Bộ Công Thương nói riêng và các bộ ngành, địa phương nói chung tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, hằng năm, Bộ Công Thương đều triển khai chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong năm 2021, bộ tiết kiệm 4,5 tỉ đồng công tác phí, 1,2 tỉ đồng chi phí hội thảo, 1 tỉ đồng tiền khánh tiết, 1,7 tỉ đồng văn phòng phẩm, thông tin liên lạc. Các doanh nghiệp do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm 10,9 tỉ đồng.
Đến năm 2022, các doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 290 tỉ đồng chi phí quản lý. Trong năm 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 13 tỉ đồng (10,66% kinh phí giao), trong khi các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765 tỉ đồng.
Bộ cũng đặt ra một số chỉ tiêu tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia đúng đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức, nội dung hỗ trợ đầu tư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương.
Bên cạnh tiết kiệm chi phí, những năm qua, bộ đã giải quyết nhiều dự án tồn đọng giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động đầu tư, tạo thuận lợi cho sự phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng... Bộ đã chủ động, quyết liệt tinh, gọn bộ máy, đề xuất giảm gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc bộ.
Tuyết Nhung