Với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại qua mạng xã hội (Social Commerce), các mô hình thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt. Đặc biệt, một xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử là hoạt động livestream bán hàng.
Livestream bán hàng là một xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.
Tại Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án luật Thương mại điện tử đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương nêu rõ "Bên cạnh những mô hình hoạt động TMĐT đã được quy định tại Nghị định 52, một số mô hình hoạt động TMĐT mới đã phát sinh như hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, hoạt động TMĐT xuyên biên giới, hoạt động TMĐT của nhà đầu tư nước ngoài, mua sắm qua livestream với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm nhưng được tư vấn bởi người không có chuyên môn…"
Bộ Công Thương cho biết, hoạt động livestream bán hàng hiện chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestreams (chủ tài khoản, người tham gia livestreams), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.
“Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành cũng như các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập”, Bộ Công Thương nhận định.
Trong khi đó người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến hiện nay đang gặp khó khăn vì thiếu minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ và thông tin của người bán như địa chỉ, điện thoại liên hệ hay các phương tiện khác. Thậm chí trong đơn hàng nhận được cũng không có thông tin về người bán.
Cơ chế giải quyết tranh chấp trên môi trường trực tuyến chưa hiệu quả, khiến người tiêu dùng ít được bảo vệ khi quyền, lợi ích bị xâm phạm. Trong nhiều trường hợp, người mua hàng và người bán không giải quyết được mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giao dịch nhưng lại không có cách nào để liên hệ với chủ quản nền tảng số trung gian để khiếu nại hoặc không có công cụ để thực hiện khiếu nại.
Để siết quản lý những mô hình hoạt động TMĐT mới, bảo vệ người tiêu dùng, trong đó, với hoạt động livestream bán hàng, tại Dự thảo Đề cương chi tiết Luật thương mại điện tử, Bộ Công Thương đề xuất một trong những trách nhiệm của chủ quản nền tảng số thương mại điện tử bán hàng là quy định về trách nhiệm, điều kiện đối với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử cũng sẽ phải thực hiện định danh theo pháp luật về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Người bán phải cung cấp tên, địa chỉ, mã số định danh, tổ chức hoặc mã số thuế thu nhập cá nhân cho nền tảng số trung gian thương mại điện tử. Đồng thời, công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có); tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ và các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, tại Nghị quyết 09/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT để định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VNeID.
Việc nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trung gian TMĐT trong việc triển khai giải pháp định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các vấn đề về gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số TMĐT.
Thời gian qua, TMĐT Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Doanh số TMĐT B2C Việt Nam tăng từ mức 2,97 tỷ USD vào năm 2014 lên đến giá trị 25 tỷ USD vào năm 2024, tương đương mức tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ lệ dân số tham gia TMĐT đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người mỗi năm. TMĐT đã trở thành một phương thức mua sắm phổ biến, đồng thời là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số quốc gia.
Tuy nhiên, đi kèm với đó, vi phạm trong lĩnh vực TMĐT cũng ngày càng gia tăng. Trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023). Đặc biệt, trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).
Đáng chú ý, trong quý I/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công An đã tạm thu giữ 125.088 sản phẩm các loại bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm, hàng gia dụng... (thuộc 242 danh mục sản phẩm hàng hóa) của đối tượng Nguyễn Hoàng Mai Ly - người được biết đến là "hot girl" bán hàng online với các phiên livestream hàng nghìn lượt xem có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng khác.
Đỗ Kiều