Bộ Công Thương tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
4 giờ trướcBài gốc
Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long; các Thành viên Hội đồng thẩm định; Lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị liên quan.
Bộ Công Thương tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Căn cứ Văn bản số 9600/CPVP-CN ngày 26/12/2024 của Văn phòng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã rà soát và xây dựng các nội dung cần xin ý kiến tham vấn đối với Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sau khi hiệu chỉnh, hoàn thiện sẽ đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, bao gồm:
(i) Phạm vi và nội dung quy hoạch tuân thủ và giải quyết đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong Quyết định số 1710/ QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch.
(ii) Quy hoạch đã bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030 theo Nghị quyết 55/NQ-TW, nhịp độ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đáp ứng được cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đảm bảo chỉ tiêu về diện tích sử dụng đất các công trình năng lượng điện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
(iii) Quy hoạch đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải.., do vậy đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác và tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam. Cụ thể:
+ Điện thương phẩm: năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1238 - 1375 tỷ kWh.
+ Điện sản xuất và nhập khẩu: năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.2360 - 1.511 tỷ kWh.
+ Công suất cực đại: năm 2030 khoảng 90-100 GW; và năm 2050 khoảng 206 - 228 GW.
+ Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP giảm mạnh từ khoảng 1,25 lần trong giai đoạn 2026 - 2030 xuống 0,33 lần trong giai đoạn 2046 - 2050.
+ Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6%, năm 2050 khoảng 5%.
+ Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và quản trị của các đối tác quốc tế theo JETP.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp
(iv) Quy hoạch đã làm rõ được các nội dung liên quan khác như định hướng liên kết lưới điện với các nước khu vực, phát triển điện nông thôn, điều độ và thông tin hệ thống điện.
(v) Quy hoạch đã nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và 10 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, tận dụng tối đa các nguồn lực và hỗ trợ quốc tế là điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh của Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trước đó, vào ngày 28/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị về rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty đều thống nhất ý kiến gấp rút triển khai rà soát, hoàn thiện Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, cần làm ngay và gấp rút hoàn thành Dự thảo báo cáo trình Thủ tướng về dự kiến tiến độ thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII bảo đảm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, khẩn trương có văn bản gửi đến các địa phương có liên quan để cập nhật dữ liệu theo chỉ đạo.
Với các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn. Do đó, việc rà soát để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về cuộc họp...
Huyền My - Tiến Thành
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-tham-van-y-kien-hoi-dong-tham-dinh-de-an-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-133112.htm