Bộ Công Thương ủng hộ Ninh Thuận trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước

Bộ Công Thương ủng hộ Ninh Thuận trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước
2 giờ trướcBài gốc
Kết luận tại buổi làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận diễn ra sáng 14/10, thay mặt Ban cán sự, lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền của tỉnh Ninh Thuận đã ủng hộ, giúp đỡ ngành Công Thương trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã và đang rất nỗ lực, rất thiện chí ủng hộ, giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Ninh Thuận. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số vướng mắc cần phải xử lý một các đồng bộ.
Bộ trưởng đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đến thăm và làm việc tại Bộ Công Thương nhằm gỡ những vướng mắc, tạo "thế" để phát triển; đồng thời thúc đẩy các đơn vị chủ động tích cực hơn nữa, đổi mới tư duy và hành động để giải quyết dứt điểm những khó khăn của địa phương.
Phần lớn vướng mắc, khó khăn của Ninh Thuận trong lĩnh vực điện lực sẽ được giải quyết trong Luật Điện lực (sửa đổi)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để giải quyết những vướng mắc gây cản trở trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, Bộ Công Thương đã thông qua Bộ Chính trị, Chính phủ và hiện nay là ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình lên Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được cấp có thẩm quyền cho phép thảo luận, thông qua trong 01 Kỳ họp. Theo đó, tất cả những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta phát hiện ra trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực hiện nay đều được đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã và đang rất nỗ lực, rất thiện chí ủng hộ, giúp đỡ và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Ninh Thuận
Trong 6 kiến nghị của Ninh Thuận hôm nay cũng có ít nhất 4 kiến nghị được đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi). Nếu như được thông qua trong 01 Kỳ họp thì Luật sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
"Đây là cơ sở để chúng ta giải quyết một cách triệt để những vướng mắc gây khó khăn trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Ninh Thuận." - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình và được đồng ý chủ trương để Bộ trình với Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình với Bộ Chính trị một cơ chế đặc thù giải quyết triệt để những vướng mắc trong Kết luận thanh tra 1027 về lĩnh vực điện.
"Tất nhiên, cơ chế đặc thù này chỉ được ban hành khi và chỉ khi những kết luận của Thanh tra Chính phủ được triển thực hiện ở mức tối đa, nghĩa là những gì có thể thực hiện được thì phải thực hiện, còn những gì không thể thực hiện thì mới xin cơ chế đặc thù." - Bộ trưởng nêu.
Bộ Công Thương đã trình với Chính phủ cho rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vào năm 2025 bởi các lý do, cụ thể (i) theo đúng kỳ rà soát, điều chỉnh 5 năm/lần; (ii) rà soát trên thực tế Quy hoạch điện VIII sẽ có nhiều dự án nguồn không đáp ứng được kỳ phát nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng;...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Tô Xuân Bảo phát biểu làm buổi làm việc
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa phát biểu tại buổi làm việc
Lãnh đạo Viện Năng lượng phát biểu tại buổi làm việc
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) Bùi Huy Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh phát biểu tại buổi làm việc
Ngoài ra, Bộ cũng đang gấp rút ban hành các khung giá cho các loại hình điện năng để thống nhất, từ giá điện hai thành phần; khung giá theo giờ; giá, phí truyền tải; phí điều độ vận hành hệ thống điện đến thủy điện tích năng; điện gió...
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng đã trình cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi. Cụ thể, tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có những cơ chế và quy định về thẩm quyền đối với phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi. Vậy nên nếu Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua thì sẽ không cần thêm cơ chế riêng cho 2 loại hình điện năng này.
5 giải pháp hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận triển khai Quy hoạch điện VIII, phát triển năng lượng
Giải đáp những kiến nghị cụ thể của tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trước hết, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ tỉnh Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước bởi Ninh Thuận hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi hơn bất kể một địa phương nào trong khu vực, cũng như cả nước.
Thứ hai, Quy hoạch điện VIII đã xác định Ninh Thuận là địa điểm triển khai nhiều dự án nguồn và truyền tải các loại hình nguồn điện. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư và phối hợp triển khai theo kế hoạch được phê duyệt, một mặt là để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mặt khác để thực hiện những mục tiêu đã đề ra; đồng thời, đề nghị tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo để phát triển các dự án trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
Thứ ba, Ninh Thuận là nơi được xác định là trọng điểm của các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản, hạ tầng xăng dầu, khí đốt và quy hoạch về điện năng, vì vậy, đề nghị địa phương chủ động khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương ủng hộ hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước
Thứ tư, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, Ninh Thuận cũng là một địa phương trọng điểm, theo đó, kiến nghị với tỉnh khẩn trương quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức quản lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và khai thác các Hiệp định thương mại tự do.
"Một tin rất vui là năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam rất có khả năng đạt mức 780-800 tỷ USD, vì vậy, đề nghị tỉnh Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo để quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo đề án xuất khẩu chính ngạch, làm sao để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và khai thác tốt các thị trường xuất khẩu." - Bộ trưởng đề nghị.
Cuối cùng, theo Kết luận 1027 và Kết luận 1631 trong lĩnh vực khoáng sản, trước hết cần thực hiện những nội dung có thể thực hiện được, còn những điều vướng, không làm được thì mới báo cáo và xin cơ chế đặc thù.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ có thông báo kết luận về buổi làm việc và trả lời rõ với địa phương để làm cơ sở cho địa phương phối hợp với Bộ trình lên các cấp có thẩm quyền có chủ trương.
"Bộ Công Thương mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của tỉnh Ninh Thuận để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành, cũng như nhiệm vụ của địa phương." - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Huyền My
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-ung-ho-ninh-thuan-tro-thanh-mot-trong-nhung-trung-tam-cong-nghiep--dich-vu--nang-luong-tai-tao-cua-ca-nuoc-128175.htm