Temu có các dịch vụ xúc tiến thương mại vi phạm pháp luật Việt Nam.
Để làm rõ vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam\VnEconomy đã có cuộc trao đổi ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
CẦN TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Thưa ông, vào Việt Nam từ đầu tháng 10 nhưng đến khi có nhiều “ồn ào” bất lợi, ngày 24/10 Temu mới có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về hành động này của Temu, liệu có phải Việt Nam đang “vườn không nhà trống” để họ dễ dàng tự do như vậy?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khi gia nhập thị trường, có thể mang lại sự cạnh tranh về giá cả, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hàng hóa hơn với mức giá thấp hơn, từ đó có thể thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và phát triển thương mại.
Mặt khác, các nền tảng xuyên biên giới cùng với hệ sinh thái toàn cầu có thể là yếu tố quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà sản xuất nhỏ, lẻ trong nước xuất khẩu sang các thị trường toàn cầu.
Bộ Công Thương quản lý nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
Theo quy định, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm phải thực hiện đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương; phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Như vậy, Temu mới chỉ làm thủ tục xin giấy phép chứ chưa được cấp phép, vậy trong thời gian chờ được cấp phép Bộ Công Thương sẽ có biện pháp như thế nào với Temu?
Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, tăng cường các biện pháp quản lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chúng tôi đã làm việc với công ty luật được Temu ủy quyền tại Việt Nam. Theo đó, yêu cầu Temu thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, khẩn trương đăng tải banner thông tin cảnh báo tại trang chủ của website và của ứng dụng với người truy cập Việt Nam về việc website và ứng dụng di động đang trong quá trình thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương, để người tiêu dùng nhận biết Temu chưa được Bộ Công Thương cấp phép cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Thứ hai, rà soát và gỡ bỏ các dịch vụ xúc tiến thương mại vi phạm pháp luật, gỡ bỏ toàn bộ các nội dung liên quan đến trả hoa hồng theo phân cấp đối với dịch vụ tiếp thị marketing theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, chủ động nghiên cứu pháp luật Việt Nam, không chỉ với thương mại điện tử mà các quy định về an toàn bảo mật thông tin, thuế, hải quan và các nội dung liên quan khác.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế, các nền tảng này cũng đang chịu áp lực từ các quốc gia khác về tuân thủ pháp lý và chất lượng sản phẩm, nên việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường thương mại điện tử công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.
Chúng ta đã có đầy đủ quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với các sàn thương mại điện tử, thưa ông?
Theo Điều 67a của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP), không phải tất cả các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh, mà chỉ những thương nhân, tổ chức có website đáp ứng các điều kiện nhất định.
Chẳng hạn như: Có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. Các sàn này có thể hoạt động mà không cần đăng ký nếu họ chưa đáp ứng các tiêu chí trên, họ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của nước sở tại và pháp luật quốc tế có liên quan.
Tại Việt Nam, khâu quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh được quy định cụ thể tại các khía cạnh sau:
Đó là, các nền tảng này phải thực hiện đăng ký hoạt động trước khi chính thức gia nhập thị trường: Theo Nghị định 85, các sàn thương mại điện tử phải đăng ký hoạt động nếu đáp ứng các tiêu chí trên và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền để thực hiện trách nhiệm pháp lý.
Hơn nữa, các nền tảng này phải có quy chế hoạt động công khai, minh bạch, phải công khai quy chế hoạt động trên trang web của họ, bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch, cũng như các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử lý vi phạm.
Cùng với đó, các nền tảng này phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước để ngăn chặn các giao dịch vi phạm pháp luật, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong trường hợp vi phạm, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.
CÁC HÀNH VI VI PHẠM SẼ BỊ XỬ LÝ NGHIÊM
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhận định: “Không thể có chuyện các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và mở sàn, tự hoạt động mà không khai báo đăng ký, thích làm gì thì làm. Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước cần xem lại”. Theo ông, ngoài Bộ Công Thương, thì trách nhiệm quản lý Nhà nước cần như thế nào?
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp.
Cụ thể, Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó nghiên cứu, đề xuất ban hành luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hóa, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ cũng đã xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để giám sát chặt chẽ hơn nữa các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và hướng doanh nghiệp thương mại điện tử tuân thủ pháp luật Việt Nam?
Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số kiến nghị và giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các thành phần tham gia thị trường thương mại điện tử trong nước, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được Quốc hội thông qua năm 2023.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là các quy định mới được bổ sung trong Luật năm 2023. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm ngặt. Danh sách các tổ chức vi phạm cũng sẽ được công khai để người tiêu dùng nắm bắt.
Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát nền tảng trung gian theo Điều 39 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các nền tảng trung gian có trách nhiệm công khai quy chế hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm và cho phép người tiêu dùng đánh giá, phản hồi về sản phẩm, dịch vụ. Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định này.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Bộ Công Thương kiến nghị là yêu cầu các tổ chức kinh doanh trên nền tảng số phải minh bạch trong cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này bao gồm cả việc cho phép người tiêu dùng phản ánh, đánh giá công khai và yêu cầu các nền tảng phản hồi nhanh chóng với các khiếu nại, yêu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử xây dựng hệ thống xác thực người bán hàng để bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử phải xác thực danh tính của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng của mình.
Bộ đang xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp kinh doanh trên thương mại điện tử, bao gồm thông tin về các vi phạm, khiếu nại từ người tiêu dùng, giúp các cơ quan quản lý dễ dàng truy cập và giám sát tình hình thị trường. Điều này giúp tạo ra một môi trường minh bạch và công bằng, giúp bảo vệ quyền lợi cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.
Vũ Khuê