Bỏ đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần là phù hợp

Bỏ đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần là phù hợp
2 giờ trướcBài gốc
Bỏ đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi trình Thường vụ Quốc hội mới đây đã bỏ đi đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần, giữ nguyên quy định khi sinh viên đi làm việc không trọn thời gian (part-time) thì phải thông báo cho trường học.
Theo dự thảo, học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy, đủ tuổi lao động theo quy định, sẽ được phép làm việc theo các quy định của pháp luật lao động. Tiền lương của họ được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.
Trước đó, trong đợt lấy ý kiến từ tháng 6 đến tháng 7, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã đề xuất cho phép sinh viên được làm việc tối đa 24 giờ mỗi tuần, tăng thêm 4 giờ so với quy định trong dự thảo hồi tháng 3. Dự kiến, dự án Luật Việc làm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10 này.
Sinh viên làm thêm tại một quán cà phê ở Hà Nội.
Trước thông tin về việc bỏ đề xuất giới hạn giờ làm thêm cho sinh viên, Nguyễn Thanh Lan - sinh viên năm ba Trường Đại học Điện lực rất phấn khởi và cho rằng việc bỏ giới hạn giờ làm thêm cho sinh viên là rất phù hợp với thực tế.
"Nhu cầu đi làm thêm của sinh viên chúng em ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngoài mục đích có thêm nguồn thu nhập bổ sung để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày, sinh viên chúng em khi đi làm thêm còn vì mục đích tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế. Ngoài ra, những công việc bán thời gian cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về thị trường lao động, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai".
Cần ưu tiên nhiều thời gian cho việc học tập
Nêu quan điểm về làm thêm, ThS. Trần Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận, ngoài lý do kiếm thêm thu nhập để giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân, gia đình, sinh viên đi làm thêm sẽ được học hỏi nhiều kỹ năng sống. Nếu làm thêm đúng với chuyên ngành đang học tập thì còn tích lũy thêm được kỹ năng nghề nghiệp thực tế. "Trong Tuần lễ sinh hoạt công dân, nhà trường luôn nhắc sinh viên cần ưu tiên nhiều thời gian cho việc học tập. Tránh mải mê đi làm thêm rồi sao nhãng, dẫn đến kết quả học tập không tốt, ảnh hưởng đến cơ hội lựa chọn việc làm sau khi ra trường", ThS. Hùng khuyến cáo.
Ông Vũ Phạm Dũng Hà - Trưởng phòng chính sách việc làm, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Trong dự thảo luật chúng tôi có đưa ra quy định các trường quản lý sinh viên. Hàm ý của quy định này là chúng tôi mong cơ sở giáo dục biết được sinh viên của mình có hay không đi làm thêm. Theo tôi, hiện nay có 2 cách để quản lý sinh viên đi làm thêm, bao gồm doanh nghiệp phải thông báo đến cho cơ sở giáo dục nơi sinh viên đang theo học hoặc sinh viên muốn đi làm phải xin giấy xác nhận của trường".
TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, sinh viên làm thêm với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và lý thuyết, những va đập ngoài cuộc sống giúp các em trưởng thành hơn rất cần khuyến khích.
Nhưng ở khía cạnh khác, nếu các em chọn những công việc như bán quần áo, rửa bát, bưng phở… không gắn gì với chuyên môn đang học ở bậc đại học thì cần cân nhắc cẩn trọng. Bởi rõ ràng, những lợi ích mà công việc này mang lại ngoài giá trị vật chất thì kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức… tích lũy được sẽ ít có ứng dụng để phát triển công việc tương lai.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bo-de-xuat-sinh-vien-khong-duoc-lam-them-qua-24-gio-tuan-la-phu-hop-169241009105302428.htm