Phát huy sức mạnh toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới. (ảnh: Võ Tiến)
Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới
Đại tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 15/12/1964, từ lực lượng tại chỗ kết hợp với lực lượng do Bộ Công an chi viện đợt B10, B11, khung An ninh vũ trang tại Thừa Thiên Huế - tiền thân của Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế ngày nay chính thức được thành lập. Ngay từ khi mới ra đời, Ban An ninh vũ trang Thừa Thiên đã tham gia bảo vệ chiến khu cách mạng, địa bàn đứng chân của Khu ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy, bảo vệ, đưa đón cán bộ vào hoạt động trong vùng địch chiếm đóng; bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng; diệt ác, phá kìm; hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang -Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế rời đồng bằng, thành phố tiến lên vùng cao biên giới, tiến ra biển đảo, lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền cách mạng.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra tại khu vực biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. (ảnh: Võ Tiến)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên tục bám sát địa bàn, không ngừng phát triển lực lượng, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã tham gia chống phá Quốc sách “ấp chiến lược”, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 lịch sử, góp phần giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975.
Sau gần 1 năm cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân tiếp quản địa bàn vùng mới giải phóng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, thực hiện Quyết định số 23/BTL ngày 27/2/1976 của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã được hợp nhất với An ninh vũ trang Quảng Trị, Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh và Quảng Bình thành Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên.
Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp tham gia phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào với 32 mốc quốc giới và 7 cọc dấu; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong đội hình hợp nhất, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã phát triển các đồn, trạm trên hai tuyến biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, hiệp đồng có hiệu quả với các lực lượng vũ trang, kịp thời phát hiện, đập tan âm mưu và hành động phá hoại của các phần tử phản động, giữ vững an ninh địa bàn.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển trên địa bàn được phân công quản lý, bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, mốc giới. Trực tiếp tham gia phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào với 32 mốc quốc giới và 7 cọc dấu; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã duy trì nghiêm túc công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với lực lượng quản lý chặt chẽ biên giới, vùng biển, bảo vệ đơn vị, địa bàn an toàn trong các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, quân đội, địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu; điều động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn ở khu vực biên giới, vùng biển.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế phối hợp cùng các lực lượng và nhân dân xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới tuần tra bảo vệ biên giới. (ảnh: Võ Tiến)
Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đấu tranh thành công 17 chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ. Phát hiện, trực tiếp bắt giữ, xử lý 276 vụ/444 đối tượng. Trong đó: Khởi tố, điều tra, bàn giao 13 vụ/22 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 263 vụ/422 đối tượng, phạt tiền 260 vụ/418 đối tượng với số tiền gần 3 tỷ đồng; tịch thu tang vật bán đấu giá nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng...
Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh
Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của Việt Nam, nằm về phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Quân khu 4. Tỉnh có đường biên giới đất liền dài 80,683km tiếp giáp với Lào, đường bờ biển dài 128km tiếp giáp với Biển Đông. Khu vực biên giới của tỉnh gồm 33 xã, phường, thị trấn biên giới (12 xã biên giới đất liền và 21 xã, phường, thị trấn biên giới giáp biển).
Đại tá Hoàng Minh Hùng cho biết, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy Đảng về công tác vận động quần chúng, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giới thiệu 13 đồng chí cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy 13 xã biên giới, 4 đồng chí chỉ huy đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, 6 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã biên giới nhiệm kỳ 2021-2026. Phân công 43 đảng viên các đồn Biên phòng sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố biên giới và 224 đảng viên được phân công phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới; tham gia củng cố 173 tổ chức cơ sở đảng, 151 tổ chức chính trị xã hội khác ở 33 xã, phường, thị trấn biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện đang nhận đỡ đầu 188 cháu học sinh trong Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”; 59 cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/học sinh/tháng; trong đó, có 7 cháu học sinh nước bạn Lào và 2 con nuôi đồn Biên phòng... Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực sự chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo, làm tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiểm tra các hoạt động tại biên giới. (ảnh: Võ Tiến)
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng Thừa Thiên Huế vững mạnh về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; quân sự, quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh, trật tự ổn định; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, mở rộng; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Quá trình đó, những thử thách do địa hình biên giới hiểm trở, dân cư khu vực biên giới có trình độ nhận thức chưa cao nên vẫn còn những khó khăn trong công tác quản lý. Thiên tai, lũ lụt diễn ra thường xuyên, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh..., đã được Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân nỗ lực vượt qua.
Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của tỉnh có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng, đặt ra nhiều thách thức về quốc phòng, an ninh và công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
"Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên, duy nhất trên cả nước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến biên giới đất liền. Trước những khó khăn nêu trên, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, nhất là Bộ đội Biên phòng tỉnh cần tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nhạy bén, nắm, dự báo chính xác tình hình nội, ngoại biên, trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia", ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Bộ đội Biên phòng tỉnh cần tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nhạy bén, nắm, dự báo chính xác tình hình nội, ngoại biên, trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế tham gia khắc phục sạt lở bờ biển trên địa bàn phường Thuận An, thành phố Huế. (ảnh: Võ Tiến)
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lập được nhiều chiến công, thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành Trung ương và địa phương khen thưởng.
Cụ thể, Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1979), Huân chương Chiến công (2000, 2007), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2014), Huân chương Hữu nghị (2003); 6 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương các loại; 7 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều Bằng khen, Giấy khen các loại.
Năm 2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Cờ thi đua.
NGUYỄN CÔNG HẬU