Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược, theo đề nghị của nước bạn Lào, nhiều đơn vị của Hà Tĩnh được cử sang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, gồm: Tiểu đoàn 48B, Tiểu đoàn 44B, Tiểu đoàn 50, 2 đại đội đặc công, 2 đại đội súng máy 12,7 ly, 1 đại đội pháo 85 ly, 1 đại đội DKZ và trên 500 dân công hỏa tuyến phối hợp với lực lượng nước bạn thực hiện nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm và bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ Đảng, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn.
Ban liên lạc Tiểu đoàn 44B thăm lại căn cứ Xăm Xoọc. Ảnh tư liệu.
Đặc biệt, sau chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng chống phá cách mạng trên khắp các mặt trận. Trước yêu cầu tăng viện cho chiến trường, Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh được thành lập vào ngày 20/2/1968. Sau 6 tháng ổn định tổ chức và huấn luyện, đơn vị được giao nhiệm vụ chiến đấu tại Mặt trận Trung Lào từ năm 1968 đến 1989.
Trong những năm tháng ấy, Tiểu đoàn 44B đã phối hợp với các đơn vị khác đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, trong đó có 62 trận đánh cấp tiểu đoàn, tiêu diệt 1.221 tên địch, gọi hàng 38 tên, thu hàng ngàn khẩu súng các loại cùng nhiều phương tiện, khí tài, quân dụng của địch, giải phóng hàng ngàn km2 thuộc 2 tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn.
Nhiều địa danh, căn cứ địch đã ghi dấu ấn của tiểu đoàn như: Xăm Xoọc, điểm 4, cao điểm 1326 Xanh, Pà Thầu, Thà Khẹt, Sê Bông Phai…
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 44B dâng hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm (Hương Sơn). Ảnh tư liệu.
Tháng 10/1968, Tiểu đoàn 44B thực hiện trận đánh đầu tiên vào căn cứ Xăm Xoọc - căn cứ phỉ Vàng Pao được Mỹ nuôi dưỡng đặc biệt, được trang bị vũ khí tối tân, có máy bay, pháo binh yểm trợ.
Thời điểm này, Tiểu đoàn 44B được tăng cường 1 đại đội của Tiểu đoàn 31 đặc công (Quân khu 4), Đại đội 22 đặc công (Tỉnh đội Hà Tĩnh) và Đại đội 15 bộ đội Pa-thét Lào. Đúng 3h30 phút ngày 28/10/1968, tiếng bộc phá phát lệnh từ đại đội đặc công phát nổ, tất cả các đơn vị đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu. Sau 1 giờ chiến đấu, lực lượng ta đã làm chủ tất cả các điểm 1, 2, 3. Tại điểm 1, ta tiêu diệt 71 tên địch, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng, phá hủy đài vô tuyến điện, thu hơn 50 khẩu súng các loại…
Tiểu đoàn 44B nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Ảnh tư liệu.
Trước tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả, Tiểu đoàn 44B đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công các hạng nhất, nhì, ba cho các tập thể. Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sỹ Nguyễn Văn Tấn - Đại đội phó Đại đội 2, cùng hàng trăm huân, huy chương các loại cho cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn.
Đặc biệt, ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 44B vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Ông Trương Quang Hào kể lại những ký ức thời kỳ chiến đấu tại Lào.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên đất bạn Lào, Tiểu đoàn 50 cũng đã lập nhiều chiến công, sát cánh cùng các đơn vị khác của Hà Tĩnh và quân đội Lào chiến đấu kiên cường, góp phần bảo vệ vững chắc các vùng giải phóng. Thời điểm kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 50 (gồm 4 đại đội) tham gia chiến đấu tại tỉnh Khăm Muồn.
Từng tham gia chiến đấu tại Lào trong vai trò chính trị viên của Tiểu đoàn 50, ông Trương Quang Hào (SN 1946, hiện trú tại phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) nhớ lại một trong những trận đánh mà ông không thể nào quên trên đất bạn.
“Ký ức về trận chiến tại Ngã ba Thang Bèng - nằm trên quốc lộ 13 (tỉnh Khăm Muồn) vào tháng 1/1973 của Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 50 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Khi đó, có 7 đồng chí trong tiểu đội được giao nhiệm vụ chốt giữ ngã ba chiến lược này. Một tình huống bất ngờ xảy ra khi một trung đoàn của địch đã hành quân đi qua điểm chốt của chúng tôi. Nhận định tình huống, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Niệm (quê xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) đã nhanh chóng chia lực lượng thành hai tổ, mỗi tổ ba người và bí mật áp sát địch từ hướng Bắc và Nam, còn đồng chí sử dụng súng trung liên ở lại vị trí trung tâm sẵn sàng yểm trợ. Hai mũi tấn công đồng loạt nổ súng, tiêu diệt ngay 6 tên địch. Ngay sau đó, 2 tiểu đội tăng cường đã kịp thời có mặt để hỗ trợ. Chính sự bất ngờ và hiệu quả của đòn tấn công chớp nhoáng từ một tiểu đội nhỏ đã khiến quân địch hoàn toàn choáng váng, vứt bỏ cả quân tư trang, vũ khí mà tháo chạy tán loạn...” - ông Trương Quang Hào bồi hồi kể lại.
Đại tá Nguyễn Văn Chính.
Nhớ lại ký ức một thời chiến đấu trên nước bạn Lào, Đại tá Nguyễn Văn Chính (SN 1948) - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh (từ năm 2000-2005) chia sẻ: “Từ năm 1969-1972, tôi cùng với đồng đội sang nước bạn Lào thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Thời điểm đó, tình hình chiến trường vô cùng ác liệt, bom đạn cày xới ngày đêm. Điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, từ lương thực, thuốc men đến nước uống. Nhưng với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, chúng tôi luôn nêu cao ý chí chiến đấu, đồng cam cộng khổ, một lòng vì sự nghiệp giải phóng của nước bạn. Những kỷ niệm về các trận đánh ác liệt, những đêm hành quân gian khổ dưới mưa bom bão đạn, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, sự che chở, đùm bọc của người dân Lào vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi đến tận bây giờ”.
Cùng với Tiểu đoàn 44B, Tiểu đoàn 50, nhiều đơn vị bộ đội của Hà Tĩnh cũng đã anh dũng chiến đấu, cùng nước bạn đi đến thắng lợi cuối cùng. Các đơn vị bộ đội Hà Tĩnh đã cùng với lực lượng vũ trang nước bạn đánh 210 trận, tiêu diệt 1.750 tên địch, gọi hàng 350 tên, phá hủy 37 xe cơ giới, bắn rơi 30 máy bay, giải phóng 54 làng bản, góp phần mở rộng vùng giải phóng ở khu vực Trung - Hạ Lào và đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân Lào đến toàn thắng.
Tiếc thay, cũng có hàng nghìn người con ưu tú của Hà Tĩnh anh dũng hy sinh, hàng nghìn đồng chí khác mang trên mình thương tật trên chiến trường ở đất bạn Lào.
Đại tá Phạm Hữu Giáp.
Đại tá Phạm Hữu Giáp (SN 1950) - Nguyên Trinh sát Tiểu đoàn 44B (trước khi về hưu vào năm 2008, Đại tá Phạm Hữu Giáp đảm nhận chức vụ Đoàn phó Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4)chia sẻ: “Trong chặng đường chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt tại nước bạn Lào, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh (tổng hợp đến năm 2024). Đến nay, vẫn còn nhiều đồng đội chưa thể trở về mà đang nằm lại trên những cánh rừng, nẻo đường của đất nước Lào. Cùng với các lực lượng quy tập hài cốt liệt sỹ tại Lào, tiểu đoàn của chúng tôi không ít lần tổ chức những chuyến đi tìm kiếm đồng đội. Nhưng bao năm qua, những cánh rừng sâu thẳm và những nẻo đường xa xôi ở Lào vẫn còn là một thách thức lớn trong việc tìm kiếm đồng đội đã ngã xuống. Đó chính là nỗi trăn trở lớn của những người đồng đội còn sống, là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai trong lòng những thân nhân liệt sỹ…”.
Sự hy sinh cao cả vì nghĩa tình quốc tế của quân tình nguyện Việt Nam đã thấm đẫm vào lòng đất nước Triệu Voi, tô thắm thêm tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào. Máu xương của những người con Hà Tĩnh đã trở thành một phần lịch sử thiêng liêng, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần quốc tế vô sản và minh chứng hùng hồn cho mối quan hệ đặc biệt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sỹ, trân trọng và giữ gìn mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, một tài sản vô giá được xây dựng bằng xương máu và tình hữu nghị chân thành.
Anh Thùy