Bộ đội tích cực giúp dân khắc phục hậu quả bão số 6

Bộ đội tích cực giúp dân khắc phục hậu quả bão số 6
5 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam giúp người dân di dời tài sản tránh bão số 6. Ảnh: Hoàng Hiệp
2 người chết và mất tích do bão số 6
Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bão số 6 đã khiến 1 người tại Quảng Bình bị chết do nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ, 1 người khác mất tích (do bị lật thuyền trong lúc di chuyển tài sản tránh lũ) và 5 người bị thương. Hơn 300 ngôi nhà của người dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bị tốc mái, hư hỏng do gió lớn bởi bão số 6; hơn 34.200 ngôi nhà khác bị ngập. Tính đến ngày 29/10, vẫn còn 34.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình với hơn 32.700 nhà. Bão số 6 cũng làm hơn 600ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; hơn 500 con gia súc và hơn 17.500 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 1.100ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về thủy lợi, bão số 6 làm hư hỏng hơn 6,5km kè, kênh mương. Ngoài ra, hơn 2.700 cây xanh đô thị đã bị gãy đổ do gió bão.
Sóng lớn cùng với mưa to do bão số 6 đã làm xói lở hơn 16km bờ biển, sạt lở, hư hỏng 53 vị trí quốc lộ, 89 vị trí đường giao thông nông thôn. Đối với các điểm, tuyến đường giao thông bị ngập, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai rào chắn, cảnh báo, hướng dẫn người dân di chuyển theo hướng khác nhằm đảm bảo an toàn. Trong đó, tỉnh Quảng Bình đã bố trí rào chắn, lực lượng trực gác cảnh báo hai đầu và phân luồng giao thông tại 19 điểm quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập. Tỉnh Quảng Trị cũng bố trí nhân lực canh gác tại các tuyến tỉnh lộ 573A, 576C và 588A đang bị ngập cục bộ từ 0,3-1m để phân luồng giao thông. Trong khi đó, sự cố đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Sa Lung - Tiên An đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý và bố trí ô tô chuyển tải hành khách giữa ga Đông Hà và ga Đồng Hới.
Do mưa lớn, mực nước tại một số sông ở Quảng Bình, Quảng Trị dâng cao khiến vùng trũng thấp, khu vực ven sông bị ngập lụt. Trước đó, các địa phương này đã tổ chức rà soát, triển khai công tác ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Để ứng phó với mưa lũ, các tỉnh, thành miền Trung đã tổ chức di dời 11.432 hộ/33.740 người.
Bộ đội dầm mình trong mưa giúp dân
Để ứng phó với bão số 6, BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại các điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khi cơn bão này còn ở ngoài biển, các đơn vị BĐBP đã hoàn thành công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão. Theo đó, lực lượng BĐBP đã thông báo, hướng dẫn cho 67.212 tàu/307.822 ngư dân biết diễn biến, hướng đi của bão số 6 để di chuyển vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm; đồng thời thực hiện lệnh cấm biển của địa phương và tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các bến.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương gia cố bờ biển. Ảnh: Nguyễn Dực
BĐBP các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã điều động 2.776 lượt cán bộ, chiến sĩ/202 lượt tàu xuồng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương di dời 2.182 hộ/7.770 nhân khẩu ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Cán bộ Biên phòng cũng giúp người dân di chuyển 672 lồng bè đến nơi an toàn, hỗ trợ kéo 261 xuồng nhỏ, thuyền thúng lên bờ tránh bão; gia cố, chằng chống hàng trăm ngôi nhà. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngay sau khi bão số 6 tan, các đơn vị BĐBP đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn khảo sát, thông kế thiệt hại và giúp dân khắc phục hậu quả. Tại các khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương cử người canh gác tại các điểm, vị trí đường giao thông bị ngập lụt để cảnh báo người dân, đồng thời kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống; thông tin, tuyên truyền, vận động người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
Tại Quảng Trị, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng chính quyền, nhân dân và các lực lượng khác trên đảo cắt tỉa, thu dọn cây xanh bị gãy đổ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục lại giao thông..., nhanh chóng ổn định cuộc sống của quân và dân trên đảo. Trong khi đó, các đơn vị trên tuyến biên giới đất liền đã tổ chức thu dọn vệ sinh môi trường khi nước lũ rút và cắt cử quân số trực 24/24 giờ tại các điểm đang còn bị ngập sâu, không cho người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Đồn Biên phòng Ba Nang đã phối hợp với chính quyền cùng nhân dân tổ chức nạo vét làm sạch bùn đất tại các điểm cầu tràn bị ngập lụt trên địa bàn xã Ba Nang và xã Tà Long, huyện Đakrông.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn và sóng biển cao đã khiến vùng biển thuộc phường Thuận An (thành phố Huế), xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị sạt lở nặng với chiều dài gần 1km. BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương gia cố để hạn chế sạt lở. Triều cường dâng cao cũng khiến nhiều khu vực dân cư ở sát phá Tam Giang, đoạn gần cửa biển Thuận An tại tổ dân phố Hải Tiến (phường Thuận An) bị ngập nước, giao thông đi lại khó khăn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng huy động gần 364 lượt cán bộ, chiến sĩ/25 lượt phương tiện xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giúp đỡ, di dời 1.258 hộ/4.479 nhân khẩu đến nhà kiên cố, đảm bảo an toàn.
Để ứng phó với bão số 6, các đơn vị Quân đội đã điều động hơn 270.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 6.000 phương tiện các loại sẵn sàng xử lý khi có tình huống. Trong đó, Quân khu 4 điều động 100 bộ đội, 1.645 dân quân, 7 xe ô tô; Quân khu 5 điều động 708 bộ đội, 2.624 dân quân phối hợp với lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả và sơ tán 3.908 hộ/11.965 nhân khẩu ra khỏi nơi có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Nguyễn Bích(tổng hợp)
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/bo-doi-tich-cuc-giup-dan-khac-phuc-hau-qua-bao-so-6-post482816.html