Bộ đề nghị các tỉnh, thành ban hành quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn. Ảnh: Thế Bằng.
Năm học 2024-2025 là năm học chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản quy định, hướng dẫn; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra của chương trình mới.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng.
Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, THCS) và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình mới, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Các trường tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các trường cần xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, đặc biệt là học sinh khó khăn, cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành ban hành quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành bảo đảm đủ trường, lớp, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường học tập.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế trên địa bàn, sử dụng hiệu quả biên chế hiện có theo thẩm quyền; tăng cường công tác rà soát, điều động, luân chuyển giáo viên, bảo đảm chất lượng giáo viên giữa các trường.
Thực hiện tuyển dụng đúng, đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, có giải pháp đối với những nơi còn thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để bảo đảm thực hiện bền vững, hiệu quả chương trình giáo dục mới ở các địa bàn khó khăn...
Ngọc Bích