Thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2025, một trong những việc Bộ GD-ĐT tập trung thực hiện là triển khai nghiêm túc và bảo đảm tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Cùng đó, bộ sẽ bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy; chủ động các phương án tiếp nhận, sắp xếp, bố trí nhân sự các đơn vị sau khi tiếp nhận các đơn vị về bộ quản lý.
Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29...
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm 2025 dù chưa phải năm khởi đầu kế hoạch 5 năm giai đoạn mới nhưng là thời điểm khởi động nhiều việc lớn của ngành.
Ví dụ như triển khai Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt.
Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, năm 2025 sẽ là năm bắt đầu triển khai luật này.
Cũng năm 2025, ngành giáo dục bắt tay chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới; tổng kết và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình phổ thông 2018; đồng thời, triển khai các chương trình, đề án, dự án lớn quy mô toàn ngành…
Bộ trưởng Sơn cũng lưu ý một số công việc trọng tâm triển khai trong năm 2025, trong đó có việc tận dụng cơ hội về mặt đầu tư từ các nguồn khác nhau; chuẩn bị tốt các đề án phát triển đơn vị theo các nghị quyết vùng; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch; đặc biệt là triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tái cấu trúc, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tổng kết năm 2024, theo Bộ trưởng GD-ĐT, ngành có một số thuận lợi liên quan đến đội ngũ nhà giáo như: việc điều chỉnh mức lương cơ bản, trong đó gồm đối tượng được thụ hưởng đang công tác trong giáo dục; việc được tiếp tục phân bổ, sử dụng hơn 65.000 biên chế giáo viên,...
Một số chính sách tác động tốt đến ngành như Nghị định 116 giúp việc tuyển sinh khối sư phạm cải thiện rõ ràng...
Cũng trong năm 2024, ngành giáo dục hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn như: Tổng kết Nghị quyết 29 và đề xuất chính sách mới; hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; hoàn tất chu trình đổi mới giáo dục phổ thông; hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt; xây dựng được nhiều đề án, chương trình, dự án sẽ chuẩn bị khởi động vào năm 2025; chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới…
Thanh Hùng