Tháng 11.2024 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Dự thảo này đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện, trước khi chính thức áp dụng từ mùa tuyển sinh năm nay.
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Do đó, quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 được các bậc phụ huynh, thí sinh cũng như xã hội đặc biệt quan tâm.
Trước khi quy chế chính thức được ban hành, Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT liên quan đến công tác tuyển sinh đại học năm 2025, cũng như những lưu ý tới thí sinh tại thời điểm này.
Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 dự kiến có những thay đổi nào?
- Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Bà có thể cho biết, những điểm thí sinh cần lưu ý trong quy chế năm nay là gì? Sau thời gian nhận ý kiến góp ý từ các chuyên gia cũng như dư luận, Bộ GD-ĐT có dự kiến thay đổi những nội dung nào trong Dự thảo này hay không?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được đăng tải trên website của Bộ GD-ĐT cũng như Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong hơn 1 tháng qua. Thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp nhận tất cả ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo, trước khi ban hành chính thức.
Trong Dự thảo, chúng ta đã thấy có một số thay đổi, chủ yếu về mặt kỹ thuật, mang đến những thuận lợi cho thí sinh trong công tác tuyển sinh. Nguyên tắc của quy chế tuyển sinh là đảm bảo công bằng giữa các thí sinh. Các em được ứng tuyển, dự tuyển và trúng tuyển vào nguyện vọng tốt nhất có thể - nguyện vọng mà các em mong muốn được ưu tiên nhất cũng như phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích của từng em. Nguyên tắc này phải được nhất quán và tất cả kỹ thuật xung quanh đều phải đảm bảo điều đó.
Một trong những điểm cần lưu ý trong quy chế sửa đổi năm nay liên quan đến công tác xét tuyển sớm. Giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
Vừa qua, khi Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề xét tuyển sớm. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.
Xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.
Trong dự thảo, chúng tôi đang quy định việc xét tuyển sớm sẽ giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi dự kiến có thể không cần xét tuyển sớm nữa. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ nhỏ, dành cho những bạn học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Đây là đối tượng vượt trội, là lực lượng tài năng rất đặc biệt mà các trường đại học cần thu hút. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.
Điểm thay đổi thứ hai liên quan tới việc các trường phải đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, điểm xét tuyển, trúng tuyển của thí sinh phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức, các tổ hợp xét tuyển và chúng ta sẽ lấy từ cao xuống thấp.
Tất cả phương thức đều phải được quy về một thang điểm, hoặc ít nhất là điểm chuẩn phải được quy về một thang điểm chung để so sánh được giữa các thí sinh, dù bằng bất cứ phương thức xét tuyển nào. Cuối cùng, chúng ta phải lựa chọn thí sinh trúng tuyển dựa vào năng lực, phẩm chất, kỹ năng của các em. Những bạn giỏi hơn sẽ trúng tuyển trước, không phụ thuộc vào chỉ tiêu của một phương thức cụ thể nào.
Bên cạnh đó, nếu các trường đại học xét tuyển bằng học bạ thì phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như trước đây. Đây cũng là điểm rất quan trọng của Dự thảo, để các em không lơ là học tập ở năm lớp 12, nhất là học kỳ hai. Các em vẫn phải hoàn thành thật tốt việc học để có điểm tổng kết tốt trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay đổi này sẽ góp phần tích cực, ảnh hưởng trở lại tới việc học tập ở bậc THPT của học sinh.
Một điểm nữa cần lưu ý là điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Sau khi công bố Dự thảo, Bộ GD-ĐT đã nhận được rất nhiều ý kiến, đặc biệt là của thí sinh tự do về vấn đề này. Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp thu ý kiến của các em, để vẫn đưa một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vì chỉ sử dụng điểm học bạ. Nhóm thí sinh tự do không còn cơ hội quay trở lại cấp 3 để tích lũy lại điểm, do đó cần những phương án đảm bảo các em vẫn thi được vào ngành đào tạo về sư phạm và sức khỏe - những ngành rất quan trọng.
Những nội dung sửa đổi còn lại chủ yếu mang tính kỹ thuật, để các trường không thể đưa ra quá nhiều tổ hợp tuyển sinh cho một ngành, một nhóm ngành đào tạo. Chúng tôi quy định tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán - một trong hai môn bắt buộc khi các em thi tốt nghiệp THPT. Trọng số điểm của môn học này cũng phải chiếm tỷ trọng nhất định và quan trọng trong các tổ hợp.
Các trường cũng phải lưu ý: trọng số của các môn chung giống nhau giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50%, để thấy rằng đây là những môn tiên quyết quy định về phẩm chất, năng lực cần thiết của thí sinh khi ứng tuyển vào ngành đó. Không phải bất kỳ môn nào cũng có thể áp dụng tuyển sinh trong một ngành đào tạo. Đơn cử, ngành đào tạo kỹ thuật nhưng áp dụng cả môn Văn, Sử, Địa và Toán, Lý, Hóa để tuyển sinh là không đúng bản chất của việc dựa vào năng lực, phẩm chất cần thiết cho ngành, lĩnh vực đào tạo đó.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Xuân Quý)
Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xét tuyển sớm, việc đăng ký xét tuyển được thực hiện thế nào?
- Bà đã nhấn mạnh tới việc Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xét tuyển sớm. Vậy nếu bỏ xét tuyển sớm, việc đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh năm nay sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Như tôi đã nói, khái niệm xét tuyển sớm chỉ về mặt thời gian, so với mốc là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Xét tuyển sớm hay xét tuyển theo kế hoạch chung (tức là sau khi thí sinh tốt nghiệp THPT) chỉ có một điểm khác biệt. Đó là nếu xét tuyển sớm, thí sinh không sử dụng được điểm thi tốt nghiệp, còn khi xét tuyển theo kế hoạch chung thì tất cả phương thức xét tuyển, tất cả dữ liệu mà các em đã có từ học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi từ các kỳ thi năng khiếu, kỳ thi độc lập của các trường, các chứng chỉ quốc tế,... đều được áp dụng.
Thực tế ở kỳ xét tuyển sớm, thí sinh được sử dụng ít phương thức xét tuyển hơn. Nếu không có xét tuyển sớm thì về mặt thời gian, thí sinh cũng vẫn phải đăng ký trong đợt xét tuyển chung. Như vậy để tránh cho các em phải đăng ký xét tuyển tới 2 lần, có lẽ quy chế sẽ không cần đến việc xét tuyển sớm.
Việc đăng ký xét tuyển đại học năm 2025 vẫn được thực hiện như mọi năm, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng mà các em muốn dự tuyển lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung sau khi thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT đã có đầy đủ thông tin của các em để có thể xét tuyển ở tất cả phương thức.
Những trường hợp đặc biệt, có giải quốc tế, quốc gia, trường hợp được xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT có thể ứng tuyển trước vào các trường. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ rất nhỏ, dành cho những thí sinh tài năng.
Như vậy, đại đa số thí sinh không cần lo lắng đến việc ứng tuyển vội. Các em hãy tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt, có kết quả thật xuất sắc thì chắc chắn các em sẽ có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào nguyện vọng mà mình mong muốn nhất.
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bà có thể cho biết, những môn thi mới trong kỳ thi có ảnh hưởng như thế nào với việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Điểm thi tốt nghiệp THPT là một kênh vô cùng quan trọng và rất đáng tin cậy đối với các trường đại học, cao đẳng khi xét tuyển. Do đó, kỳ thi này đóng vai trò quan trọng và nhiều khi mang tính chất quyết định tới việc thí sinh trúng tuyển vào trường đại học tốt mà các em mong muốn.
Thời điểm này, thí sinh nên tập trung để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi. Các em sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Việc sử dụng các môn thi này trong tổ hợp xét tuyển như thế nào tất nhiên phụ thuộc vào các trường đại học. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các trường đều mong muốn tuyển được những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất với ngành nghề đào tạo của mình. Do đó khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển, chắc chắn các trường đều sử dụng những môn học phù hợp nhất.
Tất nhiên, trong các tổ hợp xét tuyển luôn phải có ít nhất môn Toán hoặc môn Văn, tức là một trong hai môn bắt buộc với điểm trọng số ít nhất phải là 1/3 trong tổng điểm. Bên cạnh đó, trong các tổ hợp, các trường sẽ sử dụng cả những môn tự chọn, nên thí sinh yên tâm rằng dù thi môn tự chọn nào thì cơ hội ứng tuyển, trúng tuyển vào các trường vẫn là cao nhất.
Việc của các em là học tập thật tốt để có kết quả thi cao nhất, thay vì quá lo lắng vấn đề tổ hợp ở thời điểm này. Chắc chắn các trường phải thiết kế các tổ hợp để phù hợp nhất với các em, bởi chúng tôi cũng rất cần thí sinh ứng tuyển, rất cần các em vào học được trong hệ thống giáo dục đại học để các em sẽ trở thành nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trong tương lai.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ!
Nguyễn Liên