Theo Bộ GD&ĐT, trong tuyển sinh đại học năm 2025, các cơ sở đào tạo có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng và thống nhất giữa các thí sinh, việc quy đổi điểm giữa các phương thức là cần thiết.
Ảnh minh họa
Bộ đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách quy đổi, trong đó áp dụng phương pháp bách phân vị – một phương pháp phổ biến trong phân tích dữ liệu thống kê.
Phương pháp bách phân vị dựa trên việc phân tích phổ điểm của từng kỳ thi. Khi hai kỳ thi có độ khó và thang điểm khác nhau, điểm số của thí sinh sẽ được quy đổi dựa trên vị trí tương đối trong phân vị.
Ví dụ, nếu điểm của thí sinh trong tổ hợp A00 thuộc khoảng A2 - A3, thì điểm tương đương trong kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tính theo công thức:
T_HSA = HSA3 + (T_A00 – A3) × (HSA2 – HSA3) / (A2 – A3)
Trong đó, T_HSA là điểm cần quy đổi; A2, A3 là hai mốc điểm gần nhất bao quanh điểm thực tế của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; HSA2, HSA3 là điểm tương ứng ở kỳ thi đánh giá năng lực.
Ngoài ra, Bộ cũng hướng dẫn các trường đại học sử dụng phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tính toán mức chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển. Điều này giúp đảm bảo rằng thí sinh không bị thiệt thòi khi lựa chọn tổ hợp có độ khó cao hơn hoặc phổ điểm thấp hơn các tổ hợp khác.
Đối với phương thức xét tuyển học bạ, do chưa có sự thống nhất trong cách đánh giá và cho điểm giữa các địa phương, Bộ GD&ĐT không đưa ra khung quy đổi chung. Tuy vậy, Bộ sẽ cung cấp dữ liệu thống kê về mối liên hệ giữa học bạ và điểm thi để các trường có cơ sở tham khảo khi xây dựng tiêu chí quy đổi phù hợp.
Các trường đại học được yêu cầu xây dựng bảng quy đổi và công thức quy đổi cụ thể cho từng ngành hoặc nhóm ngành trong đề án tuyển sinh.
Ảnh minh họa
Việc xây dựng này phải đảm bảo 4 nguyên tắc: tương đương, công bằng, minh bạch và phù hợp với đặc thù của ngành đào tạo. Nếu cần thiết, các trường có thể điều chỉnh khoảng điểm trong khung quy đổi do Bộ GD&ĐT cung cấp, nhưng phải công khai rõ ràng để thí sinh và xã hội giám sát.
Việc hướng dẫn cách quy đổi điểm không chỉ giúp các trường xét tuyển chính xác hơn mà còn tạo sự yên tâm cho thí sinh và phụ huynh khi lựa chọn phương thức dự thi phù hợp với năng lực của mình. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm chuẩn hóa và hiện đại hóa công tác tuyển sinh trong bối cảnh đa dạng hóa hình thức đánh giá và đào tạo hiện nay.
Yến Nguyễn