Bộ GD&ĐT quy định 5 đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT gồm: học sinh trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, học sinh người dân tộc thiểu số ít người, học sinh khuyết tật, học sinh đạt giải cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật; học sinh đạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định chọn cử.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), trước đây, Bộ quy định về các đối tượng tuyển thẳng gồm: “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS – THPT”. Quy định thiếu cụm từ “tổ chức trên quy mô toàn quốc” nên dẫn tới quá trình thực hiện có sự chưa thống nhất giữa các địa phương.
Bộ GD&ĐT quy định rõ hơn về đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT.
Do vậy, trong thông tư vừa mới được Bộ GD&ĐT ban hành đã quy định đối tượng tuyển thẳng tuyển sinh THPT một cách chặt chẽ hơn. Đó là, học sinh THCS đạt giải cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức, hoặc phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức “trên quy mô toàn quốc” đối với các cuộc thi, kì thi, hội thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.
Quy định này nhằm thống nhất mục tiêu, các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức nhưng phải được công bố rộng rãi trên toàn quốc để các Sở GD&ĐT, các tỉnh công bố, để tất cả các học sinh đều biết và nắm được một cách công khai, tất cả các học sinh đều biết để tham gia, xây dựng các đội tuyển của tỉnh để thi quốc gia.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng giải thích rõ hơn về đối tượng được cộng điểm khuyến khích là học sinh THCS đạt giải cấp tỉnh do Sở GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các Sở, ngành tổ chức trên quy mô toàn tỉnh.
Thực tế để học sinh tham gia các cuộc thi Quốc gia, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc thi cấp tỉnh để lựa chọn học sinh thi Quốc gia. Và nếu các em có giải ở các tỉnh thì sẽ được khuyến khích.
Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ: “Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển, tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, bài thi. Trong đó, giải nhất được cộng 1,5 điểm; giải nhì được cộng 1 điểm; giải ba được cộng 0,5 điểm”. Đây là quy định thống nhất trên toàn quốc, để đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương.
Bộ GD&ĐT lưu ý, thi học sinh giỏi các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp quốc gia không có đối tượng là học sinh THCS. Vì thế, quy định về điểm khuyến khích này sẽ không bao gồm học sinh được giải thi học sinh giỏi các môn văn hóa trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
“Bộ GD&ĐT hiện không có quy định về thi học sinh giỏi cấp THCS, cũng không có quy định về trường chuyên ở cấp THCS. Hơn nữa, mục tiêu giai đoạn giáo dục cơ bản là giáo dục toàn diện. Các địa phương nếu có tổ chức thi học sinh giỏi cấp THCS để khuyến khích những học sinh có năng khiếu thì cũng không được lấy điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển THPT, đảm bảo công bằng cho tất cả các em học sinh” - ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm 2025, theo Bộ GD&ĐT, các địa phương áp dụng ba phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Đối với phương thức thi tuyển, Bộ GD&ĐT quy định chung thực hiện ba môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Hà Linh