Bộ GD&ĐT trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí

Bộ GD&ĐT trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí
3 giờ trướcBài gốc
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ.
Đầy đủ căn cứ pháp lý
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học Chương trình GDPT tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Về căn cứ pháp lý, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”.
Kết luận phiên họp ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 1/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng đã chỉ đạo: Quyết định miễn học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập; các đối tượng học sinh khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Ảnh: Long Hồ/Quochoi.vn.
Tại Công văn số 14251-CV/VPTW ngày 11/4/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo “…Kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bổ sung đối tượng học sinh các trường tư thục, dân lập được hỗ trợ học phí, bảo đảm công bằng trong tiếp cận chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Đến thời điểm hiện nay, ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn, giảm, không thu học phí cho các đối tượng: Miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi (kể cả tư thục, dân lập); học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập;
Miễn học phí đối với học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; miễn học phí cho người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp; miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế, đặc thù khác.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Kết luận của Bộ Chính trị ngày 1/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Công văn số 14251-CV/VPTW ngày 11/4/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ, đảm bảo thống nhất, công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục
ĐBQH lắng nghe tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí sáng 22/5. Ảnh: Khánh Vũ Quang/Quochoi.vn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 5 Điều. Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học Chương trình GDPT tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Lý do, bởi trẻ em mầm non 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, tư thục, học sinh tiểu học ở các trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh THCS tại các cơ sở tư thục đang được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng học phí.
"Do vậy, việc quy định hỗ trợ cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Nguồn lực để thực hiện Nghị quyết này sẽ từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác.
Khi Nghị quyết được ban hành sẽ sử dụng nhân lực sẵn có tại các đơn vị, không phát sinh, yêu cầu thêm nhân lực mới do thủ tục về miễn, hỗ trợ học phí đã được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó gồm 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập). Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non; 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS; 2,99 triệu học sinh THPT.
Tổng ngân sách Nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 theo các quy định hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng; trong đó: Khối công lập là 21,8 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục: 0,6 nghìn tỷ đồng.
Số ngân sách Nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8,2 nghìn tỷ đồng; trong đó: Khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục: 1,3 nghìn tỷ đồng). Riêng kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học Chương trình GDPT tại các cơ sở GDTX, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng cho 431.551 học viên (đều là học viên công lập, hiện nay chưa có học viên tư thục).
Đình Tuệ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-trinh-quoc-hoi-du-thao-nghi-quyet-ve-mien-ho-tro-hoc-phi-post732218.html