Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT), có hiệu lực từ ngày 31/01/2025.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Quận Ba Đình (Hà Nội) phấn đấu 100% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng, tăng thêm từ 1- 2 tầng so với quy định cũ ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông là hợp lý.
“Trong bối cảnh quỹ đất tại các khu đô thị, thành phố lớn, quận trung tâm và khu phố cổ ngày càng hạn chế, Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT đã giúp tháo gỡ khó khăn bằng cách mở ra hướng đầu tư hợp lý, giúp các cơ sở giáo dục đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, quy định này không chỉ tạo điều kiện về việc bổ sung các phòng học và phòng chức năng mà còn đảm bảo môi trường học tập thuận lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng giáo dục.
Đồng thời, bên cạnh việc điều chỉnh các hạng mục công trình theo Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình sẽ lên phương án phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho học sinh. Các biện pháp cụ thể như quy định rõ ràng về chiều cao ban công hành lang, lắp đặt lưới an toàn và triển khai các giải pháp bảo vệ khác là vô cùng cần thiết nhằm tạo ra môi trường học tập an toàn và bền vững”, ông Lê Đức Thuận thông tin.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, trước khi quy định mới được ban hành, các trường học trên địa bàn quận đã phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất như phòng học và phòng chức năng. Một số trường có sĩ số học sinh đông phải sắp xếp lớp học vượt quá số lượng quy định. Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu dạy học, một số lớp phải tổ chức luân phiên học vào ngày thứ Bảy, gây bất tiện cho cả học sinh lẫn giáo viên.
Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn tạo áp lực lớn cho các trường học trong việc tổ chức và duy trì các hoạt động giảng dạy.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Website Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình)
Theo ông Lê Đức Thuận, tính đến tháng 1/2025, quận Ba Đình (Hà Nội) đã có 44/48 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 92%. Trong đó, có 22 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chiếm 50% và số trường học còn lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Phần lớn các trường phổ thông trên địa bàn quận đã được cải tạo hoặc xây mới, đảm bảo cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Hiện chỉ còn 2 trường trung học cơ sở và 2 trường mầm non đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng, với mục tiêu sớm đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.
Trường học tiết kiệm không gian và tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở vật chất
Ngoài ra, Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT cũng điều chỉnh linh hoạt theo hướng cho phép trường học ghép các phòng bộ môn (phòng Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Hóa học,...), thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu 1 phòng như hiện nay.
Đơn cử, về phòng bộ môn của trường tiểu học, quy định mới yêu cầu có tối thiểu 03 phòng học bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học, Công nghệ, Tự nhiên và xã hội, Tin học, Ngoại ngữ, thể hiện ở Khoản 12 Điều 1, Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT.
Đối với trường trung học cơ sở, quy định mới yêu cầu có tối thiểu 04 phòng học bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí, thể hiện ở Khoản 18 Điều 1 Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT.
Ngoài ra, về phòng bộ môn của trường trung học phổ thông, quy định mới yêu cầu có tối thiểu 05 phòng học bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lí, thể hiện ở Khoản 26 Điều 1 Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT.
Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc: bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm kế hoạch và định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Bàn về vấn đề này, thầy Phạm Ngọc Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đối với các khu vực đô thị, nơi quỹ đất dành cho xây dựng trường học đang gặp nhiều hạn chế, Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT đã mở ra cơ hội mới, không chỉ giúp giải quyết “bài toán khó” về cơ sở vật chất mà còn đáp ứng nhu cầu gia tăng số lượng học sinh trong các khu vực đông dân cư.
Một thay đổi quan trọng trong quy định mới là cho phép ghép các bộ môn vào cùng một phòng học, chẳng hạn như 3 môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Khoa học, hoặc có thể ghép Công nghệ, Tin học và các môn khoa học tự nhiên, xã hội. Điều này giúp các trường tiết kiệm diện tích phòng học, đồng thời vẫn đảm bảo đầy đủ các chức năng giảng dạy.
Thầy Phạm Ngọc Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: Website nhà trường)
Được biết, trước khi có sự điều chỉnh từ Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT, các trường học tại khu vực nội đô đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là các trường ở khu vực đông dân cư có quỹ đất vô cùng hạn chế.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những trường có sĩ số học sinh cao do lượng học sinh tăng lên theo sự phát triển nhanh chóng của khu vực. Quỹ đất để xây dựng trường học không thể mở rộng theo kịp nhu cầu gia tăng học sinh khiến cho việc duy trì chất lượng cơ sở vật chất và đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích phòng học, khuôn viên trường gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho các trường học trong Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT được xem là một giải pháp kịp thời và quan trọng. Những điều chỉnh này không chỉ giúp các trường giảm bớt khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích phòng học mà còn mở ra cơ hội để các trường có thể nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, phòng bộ môn, từ đó cải thiện môi trường học tập và giảng dạy cho học sinh.
Còn theo cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết, quy định cho phép ghép các phòng bộ môn vào chung 1 phòng thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu 1 phòng sẽ rất thuận lợi. Điều này không chỉ giúp các cơ sở giáo dục tiết kiệm không gian mà còn tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở vật chất.
Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh hiện đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với hệ thống cơ sở vật chất bao gồm 33 phòng học, 10 phòng bộ môn cùng 1 dãy nhà 4 tầng và 2 dãy nhà 3 tầng.
Cơ sở vật chất khang trang của Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). (Ảnh: NTCC)
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, chỉ còn 6-8m2 (tùy từng cấp học), thay vì 8-10m2 như quy định hiện hành.
Theo cô Trần Thị Hương, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh diện tích đất xây dựng bình quân tối thiểu từ 8m²/học sinh xuống 6m²/học sinh đối với cấp trung học cơ sở tại khu vực đô thị loại III trở lên là một quyết định hợp lý và kịp thời.
"Trong bối cảnh số lượng học sinh đúng tuyến tại các khu vực đông dân cư ngày càng gia tăng, sĩ số lớp học cũng theo đó tăng lên. Quy định mới này sẽ giúp các trường học dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giảm bớt áp lực trong công tác xây dựng và mở rộng trường lớp.
Nhà trường hiện đang duy trì sĩ số trung bình khoảng 35 học sinh/lớp, đáp ứng đầy đủ quy định để giữ vững chuẩn quốc gia mức độ 2. Trong tương lai, nếu nhu cầu học sinh tiếp tục tăng, nhà trường có thể xem xét áp dụng các giải pháp linh hoạt như ghép phòng hoặc xây thêm tầng để đảm bảo chất lượng giảng dạy và duy trì sự phát triển bền vững”, cô Trần Thị Hương cho hay.
Khoản 24 Điều 1 Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi khoản 3 Điều 17 Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường trung học phổ thông như sau:
Tổng diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh. Đối với trường có tổ chức nội trú hoặc ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú; ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú bảo đảm tối thiểu 6m2 cho một học sinh.
Thầy Nguyễn Thành Nhân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ rằng, với vị trí địa lý nằm trong khu vực đô thị loại III, việc tuân thủ quy định cũ về diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh đã đặt ra thách thức lớn cho nhà trường. Đây là một "bài toán khó" trong việc đảm bảo diện tích phòng học theo đúng tiêu chuẩn trên mỗi học sinh.
Theo thầy Nhân, hiện nay nhà trường khó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về cơ sở vật chất do quy mô hạ tầng chưa tương xứng và nguồn kinh phí hạn chế. Cụ thể, phòng chức năng tại trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhờ vào các dãy nhà vừa được hoàn thành xây dựng trong năm 2024. Tuy nhiên, trường không có đủ phòng bộ môn riêng biệt và các phòng học được thiết kế theo tiêu chuẩn cũ với khoảng 45 học sinh/lớp. Điều này vô hình trung khiến không gian lớp học trở nên chật chội, gây bất tiện cho hoạt động dạy và học.
Trong bối cảnh đó, quy định mới trong Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, chỉ còn 6-8m2 (tùy từng cấp học) thay vì 8-10m2 như quy định hiện hành được xem là một giải pháp hợp lý.
Sự điều chỉnh này không chỉ giúp các trường ở khu vực đông dân cư vượt qua khó khăn mà còn tạo cơ hội để tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và cải thiện chất lượng giảng dạy. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục không cần mở rộng diện tích đáng kể nhưng vẫn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn và nâng cao hiệu quả học tập trong bối cảnh hiện nay.
Thúy Hiền