Sáng ngày 15/1, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hệ cao đẳng vươn mình trong kỷ nguyên mới”.
Tọa đàm được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự tọa đàm, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Dự tọa đàm có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác hội viên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; ông Lê Ánh Dương - đại diện Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đặc biệt, tọa đàm có sự tham dự đông đảo của các thầy, cô là lãnh đạo, đại diện nhiều trường cao đẳng trên cả nước như: Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội; Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ; Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ; Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội; Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội; Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ; Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương; Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh; Trường Cao đẳng Phương Đông; Trường Cao đẳng Long An; Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Y tế An Giang...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ, Tạp chí đã và đang thực hiện tốt và phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Đào Hiền)
"Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý các vấn đề giáo dục. Gần đây nhất, trong tháng 10 và tháng 11/2024, Tạp chí đã tổ chức 3 tọa đàm như: “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước”; “Trường đại học khó tìm tiến sĩ ngành phù hợp để mở ngành”; và “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó”. Sau các tọa đàm, bằng việc tổng hợp ý kiến của thầy cô, chuyên gia, Tạp chí đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và cũng đã nhận được phản hồi từ Quý Bộ", Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Bình chia sẻ.
Việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo là tín hiệu rất mừng. Tuy nhiên, hiện nay lãnh đạo nhiều trường cao đẳng đang băn khoăn về vấn đề quản trị, tuyển sinh… khi chuyển quản lý nhà nước của giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do đó, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình kỳ vọng tọa đàm “Hệ cao đẳng vươn mình trong kỷ nguyên mới” sẽ tạo ra diễn đàn để ghi nhận chia sẻ, đề xuất của các trường, chuyên gia, từ đó có kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các trường cao đẳng trong thời gian tới.
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đánh giá cao quyết định chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội chia sẻ trong tọa đàm. (Ảnh: Đào Hiền)
“Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp giúp thống nhất đầu mối từ đó công tác phân luồng học sinh chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng cũng được kỳ vọng là sẽ tốt hơn. Chưa kể, việc liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học cũng sẽ dễ dàng hơn.
Riêng đối với khối ngành đào tạo sức khỏe chưa được thực hiện đào tạo liên thông nên vẫn còn là bất cập. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế nên có quy định cho phép các trường đủ tiêu chuẩn có thể phối hợp đào tạo liên thông nhằm thúc đẩy các trường cao đẳng y tế phát triển”, thầy Tân chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Tân cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có nghiên cứu tình hình của các trường cao đẳng để đưa ra định hướng cho các trường phát triển tốt hơn.
Ví dụ, khi các trường cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì chế độ định mức giảng viên sẽ có những thay đổi; nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của thầy cô ở trường cao đẳng phải tăng lên trong khi hiện nay trường cao đẳng thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học hiện nay chưa cao.
Thầy Tân đánh giá, hiện nay sinh viên học một số ngành ở trường cao đẳng được miễn giảm 70% học phí. Chính vì thế, khi trường cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thầy Tân mong muốn Bộ sẽ kết hợp với các đơn vị đầu tư miễn giảm học phí cho người học ở trường cao đẳng để tiếp tục tạo điều kiện cho các em.
“Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng phát triển dài hơi đối với các trường cao đẳng, nhất là trường cao đẳng đào tạo về y tế”, thầy Tân chia sẻ.
Trao đổi tại tọa đàm, Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, vấn đề tuyển sinh của các trường cao đẳng mang tính thời điểm và rất quan trọng.
Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chia sẻ trong tọa đàm. (Ảnh: Đào Hiền)
Hiện tại đã là thời điểm giữa tháng 1, gần như các cơ sở giáo dục đại học đã cơ bản hoàn thành đề án tuyển sinh năm 2025. Vậy nên, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nếu các trường trung cấp, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý tức là sẽ có tên trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, lúc này đòi hỏi các trường phải làm rất nhanh, rất gấp và rất quyết liệt. Có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ làm được.
Thầy Ngọc cho rằng, việc các trường cao đẳng có tên trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ mang lại thuận lợi trong công tác tuyển sinh cho các trường cao đẳng mà còn đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Bởi sẽ giúp người học không gặp khó khăn khi muốn tìm hiểu, vào học các trường cao đẳng mà phải tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Từ đó, góp phần giúp cho nền giáo dục ngày càng tường minh hơn.
Cũng theo thầy Ngọc, năm 2025, nếu sử dụng các phương thức xét tuyển cùng với cơ sở giáo dục đại học, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội dự kiến sẽ dành khoảng 25-30% chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn lại sẽ tuyển sinh theo các phương thức khác để đảm bảo với nhu cầu của người học.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Ánh Dương - đại diện Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá tạo đàm mang nhiều ý nghĩa sâu sắc khi đã tập trung đưa ra các vấn đề về quản trị, tuyển sinh của các trường cao đẳng,... khi chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Lê Ánh Dương - đại diện Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại tạo đàm. (Ảnh: Đào Hiền)
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp, những mong muốn của lãnh đạo các trường cao đẳng đều hướng tới lợi ích chung cho người học, từ việc được minh bạch hơn trong vấn đề tuyển sinh, liên thông cho đến được tiếp cận với hỗ trợ của nhà nước một cách công bằng; thúc đẩy các trường cao đẳng làm tốt hơn vai trò của hội đồng trường trong bối cảnh tự chủ mà nhiều trường đại học đang làm tốt.
“Tọa đàm đã đi vào những ngóc ngách của vấn đề nhằm tạo diễn đàn, chia sẻ góp ý từ thầy cô, chuyên gia, từ đó Vụ Giáo dục cũng có thêm góc nhìn khách quan, toàn diện hơn để quá trình tham mưu những chính sách thiết thực, đồng hành cùng các trường cao đẳng tốt hơn”, ông Lê Ánh Dương đánh giá.
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo, đại diện các trường cao đẳng đã tập trung chia sẻ, góp ý liên quan đến vấn đề quản trị, đào tạo văn hóa trong trường nghề, đào tạo liên thông, tuyển sinh,... khi chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngọc Mai