'Bố già công nghệ' Nhật Bản và tham vọng Nvidia thứ hai

'Bố già công nghệ' Nhật Bản và tham vọng Nvidia thứ hai
6 giờ trướcBài gốc
Masayoshi Son, CEO của SoftBank đã công bố khoản đầu tư 100 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm tới nhân dịp chuyến thăm tới dinh thự Mar-a-Lago của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 16/12.
Ông Trump đã nói đùa rằng có lẽ SoftBank sẽ còn muốn tăng gấp đôi mục tiêu đó lên 200 tỷ USD. Không chịu thua kém, Son trả lời với nụ cười tươi cho rằng sẽ cố gắng hơn thế.
Doanh nhân người Nhật đang âm thầm lên kế hoạch cho một trong những động thái đặt cược thương hiệu của mình vào công ty có khả năng tốn kém như lời cam kết ban đầu của ông, và có lẽ còn hơn thế nữa.
Ám ảnh Nvidia thứ hai
Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ trong vài tháng qua, CEO của SoftBank đã ám ảnh với một mục tiêu duy nhất: Làm thế nào để xây dựng Nvidia tiếp theo bằng chip của riêng mình.
Đây là một chiến lược khiến Son phải đầu tư mạnh tay vào sản xuất chip, năng lượng và các công nghệ liên quan.
Cũng theo nguồn tin, mục tiêu của ông trùm công nghệ Nhật Bản là sở hữu lô chip AI đầu tiên sẵn sàng xuất xưởng vào năm 2026, với nguyên mẫu có sẵn sớm nhất là vào mùa hè năm sau.
Masayoshi Son đứng cạnh Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tại cuộc cuộc báo ngày 16/12. Ảnh: New York Times.
Người đàn ông 67 tuổi này tự coi mình là người tiên phong trong lĩnh vực AI, tuy nhiên lại phải chứng kiến Nvidia nổi lên như một thế lực mạnh nhất trong lĩnh vực này.
Công ty chip của Mỹ hiện nắm giữ gần như độc quyền về cấu phần bán dẫn được sử dụng để đào tạo các mô hình AI như ChatGPT của OpenAI, giúp nâng định giá thị trường của công ty lên hơn 3 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, Son đã sẵn sàng trở thành một đối thủ đáng gờm, với danh mục đầu tư rộng lớn gồm các công ty khởi nghiệp và đặc biệt là 90% cổ phần tại Arm Holdings — công ty sở hữu thiết kế chip gần như độc quyền cho smartphone vì hiệu suất năng lượng vượt trội.
Nhận thức được thiệt hại đối với di sản của mình từ một loạt các khoản đầu tư tai hại, Son lần này thực sự quyết tâm phát triển chip riêng của SoftBank để giúp AI có mặt ở khắp mọi nơi.
"Warren Buffett Nhật Bản" từng nói rằng cái nhìn thoáng qua về tương lai do công nghệ thúc đẩy trong bức ảnh chụp bản thân cầm một bộ vi xử lý thời còn là sinh viên đã khiến ông rơi nước mắt.
Sự khác biệt là hiện tại, Son đang nắm trong tay 25 tỷ USD tiền mặt cùng khả năng huy động thêm hàng tỷ USD từ các ngân hàng và nhà đầu tư khác để tự mình tạo ra tương lai đó.
Theo Bloomberg, trong một kịch bản có tên nội bộ là Izanagi - được đặt theo tên vị thần sáng tạo và sự sống của Nhật Bản, SoftBank sẽ tìm kiếm tới 100 tỷ USD để tài trợ cho dự án chip.
Át chủ bài của SoftBank
Tham vọng xây dựng đế chế chip của riêng Son đã được thúc đẩy thêm từ các cuộc trò chuyện với Sam Altman, CEO của OpenAI.
Trong 1,4 tỷ điện thoại thông minh được bán ra mỗi năm, hơn 99% sử dụng thiết kế chip của Arm hoặc công nghệ của Arm. Ảnh: FT.
Hai người cho đến nay vẫn giữ liên lạc sau cuộc gặp đầu tiên vào năm 2019, khi Son đề nghị đầu tư 1 tỷ USD cho OpenAI nhưng không thành.
“Tôi trò chuyện với ChatGPT mỗi ngày đến mức là người dùng quen thuộc của nó”, Masayoshi Son nói với các cổ đông tập đoàn SoftBank năm 2023.
Thời điểm đó, Son cho biết mình nói chuyện hàng ngày với Sam Altman. Chủ đề cuộc trò chuyện giữa hai người thường xoay quanh về tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cần thiết để cung cấp năng lượng cho các mô hình ngôn ngữ lớn và ứng dụng AI khác.
Để làm được điều đó, "bố già công nghệ" Nhật Bản sẽ phải đánh cược vào Arm. Kể từ khi thành lập vào năm 1990 bởi một nhóm nhỏ các kỹ sư, Arm đã phát triển thần tốc để trở thành chủ sở hữu của công nghệ kiến trúc vi xử lý đang được sử dụng rộng rãi nhất toàn cầu.
Trong 1,4 tỷ điện thoại thông minh được bán ra mỗi năm, hơn 99% sử dụng thiết kế chip của Arm hoặc công nghệ của Arm.
Là người đến sau trong lĩnh vực AI đã là một lợi thế, bởi nó giúp Arm tiết kiệm nhiều năm phát triển để đưa ra một thiết kế sạch sẽ và hiệu quả.
Theo Bloomberg, ý tưởng của các kỹ sư Arm là lặp lại điều mà họ đã làm cách đây 35 năm, được hướng dẫn bởi tầm nhìn của Son về những gì một con chip được thiết kế riêng cho AI cần thiết.
Theo đó, kiến trúc tiết kiệm năng lượng của Arm, vốn là điều rất quan trọng để giúp tích hợp nhiều khả năng hơn vào các thiết bị di động, hiện sẽ quyết định thiết kế của các đơn vị xử lý trung tâm (CPU) hoạt động cùng với chip Nvidia trong việc đào tạo mô hình AI.
Được thúc đẩy bởi việc Nvidia sử dụng kiến trúc của mình trong các bộ tăng tốc AI, giá trị của nhà thiết kế chip này hiện đã đạt mức kỷ lục 195 tỷ USD trong năm 2024, gấp hơn 6 lần so với mức giá 32 tỷ USD mà SoftBank đã trả vào năm 2016.
Từ khi được mua lại bởi Softbank, chiến lược kinh doanh của Arm có nhiều thay đổi. Công ty sẽ tham gia vào thị trường chip, cạnh tranh với cả những Qualcomm và MediaTek. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, Son còn muốn hơn thế nữa. Trong phần lớn lịch sử của mình, Arm chỉ tập trung vào việc cấp phép các khối lệnh cơ bản và tính phí cho mỗi thiết bị sử dụng công nghệ của mình.
Dưới thời Rene Haas, Giám đốc điều hành của Arm Holdings và với sự hỗ trợ của Son, nhà sản xuất chip này đang bắt đầu tiến lên chuỗi giá trị trong các đấu trường nóng bỏng, trở thành một nhà sản xuất chip cố gắng tính phí cao hơn cho các thiết kế chip hoàn chỉnh.
SoftBank đang đặt cược rằng thiết kế chip AI – một lĩnh vực vốn không thể đoán trước và đầy tính cạnh tranh – sẽ thay đổi đáng kể trong một hoặc hai thập kỷ tới
Vấn đề chỉ là liệu một bộ xử lý đồ họa (GPU) duy nhất có hiệu quả hay kém hiệu quả hơn khi thực hiện cả khâu đào tạo và suy luận như trong trường hợp của Nvidia.
Nếu có thể tiết kiệm năng lượng và đạt tốc độ nhanh hơn khi hai chức năng này cùng chạy song song, điều này có thể mở ra cơ hội cho một đối thủ mới.
Với vị thế tốt từ việc hỗ trợ suy luận trong các thiết bị được kết nối từ smartphone đến hệ thống điều khiển robot, Arm gần như là cái tên dẫn đầu cuộc đua thậm chí còn chưa bắt đầu này.
Anh Tuấn
Nguồn Znews : https://znews.vn/bo-gia-cong-nghe-nhat-ban-va-tham-vong-nvidia-thu-hai-post1519852.html