Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất gì về bồi hoàn phí đào tạo?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất gì về bồi hoàn phí đào tạo?
một ngày trướcBài gốc
Tăng thời hạn hoàn trả chi phí
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (dự thảo Nghị định).
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng là người học tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước nói chung.
Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP như sau: "Người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc theo các đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mới về bồi hoàn chi phí đào tạo. Ảnh: Chinhphu.vn
Về thời hạn trả và thu hồi chi phí bồi hoàn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn (tăng từ 60 ngày lên 120 ngày). Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP như sau:
"Chậm nhất trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn".
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất này nhằm bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật khác có quy định về bồi hoàn học bổng, chi phí đào. Bên cạnh đó, thời hạn 60 ngày tương đối ngắn, vì vậy, để tạo thuận lợi cho người học/gia đình người học có thời gian thu xếp kinh phí để chi trả chi phí bồi hoàn theo quy định, đề nghị tăng thời hạn trả và thu hồi lên 120 ngày.
Bổ sung quy định về miễn, giảm chi phí bồi hoàn
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung khoản 5 vào Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP về miễn, giảm chi phí bồi hoàn.
Cụ thể, người học được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần được miễn chi phí bồi hoàn; người học thuộc hộ nghèo theo quy định được giảm tối đa 20% chi phí bồi hoàn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo quyết định việc miễn, giảm chi phí bồi hoàn cho người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, đối tượng phải thực hiện bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại Nghị định số 143/2013/NĐ-CP tương đối đặc thù, đó là người học theo học các chương trình đào tạo được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp.
Để bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật về bồi hoàn khác, trên nguyên tắc hỗ trợ các trường hợp người học gặp khó khăn về sức khỏe/kinh tế, đồng thời, vẫn bảo đảm người học phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và phòng ngừa các trường hợp lạm dụng chính sách, dự thảo Nghị định đề xuất chỉ quy định miễn, giảm chi phí bồi hoàn đối với các trường hợp sau:
Đối với trường hợp người học mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần, đề nghị miễn chi phí bồi hoàn do người học không có khả năng/điều kiện để thực hiện việc bồi hoàn.
Đối với trường hợp người học thuộc hộ nghèo, thực tế trong trường hợp này người học có đủ điều kiện để thực hiện sự điều động làm việc của nhà nước nhưng lại không thực hiện nên về nguyên tắc người học phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, để thống nhất với chính sách chung về hỗ trợ đối với hộ nghèo, dự thảo Nghị định đề xuất giảm một phần chi phí bồi hoàn để hỗ trợ cho người học (chỉ giảm 20% chi phí bồi hoàn).
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi nhằm sớm hoàn thiện và đưa vào cuộc sống.
Hải Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-de-xuat-gi-ve-boi-hoan-phi-dao-tao-381190.html